1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nhiều khuyến cáo mới trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 23/11, Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức Hội nghị khoa học Tâm lý lâm sàn lần thứ nhất nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò của cán bộ tâm lý trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng và ngành Y tế nói chung. Tại Hội nghị, nhiều khuyến cáo trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần được các nhà khoa học đưa ra.

GS.TS.Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhân lực trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm: bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng chuyên khoa tâm thần, cán bộ tâm lý, cán sự xã hội và các nhân viên y tế khác.


GS.TS.Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

GS.TS.Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Cán bộ tâm lý đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán và cung cấp việc đánh giá tâm lý người bệnh. Việc điều trị rối loạn tâm thần là sự kết hợp giữa dược lý tâm thần và trị liệu tâm lý, cán bộ tâm lý thực hiện các liệu pháp tâm lý, thảo luận với người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình điều trị, cung cấp các kỹ năng ứng phó và giáo dục tâm lý cho người bệnh và gia đình người bệnh về các rối loạn tâm thần và bệnh lý người bệnh đang mắc.

“Hội nghị khoa học Tâm lý lâm sàng lần thứ nhất được tổ chức nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò của cán bộ tâm lý trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng và trong ngành y tế nói chung, với mục tiêu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hỗ trợ, can thiệp, cập nhật các kiến thức mới, báo cáo kết quả các nghiên cứu đã thực hiện trong những năm vừa qua về các phương pháp chẩn đoán và trị liệu tâm lý, các mô hình chăm sóc và phục hồi chức năng tâm lý cho người bệnh tâm thần, các nghiên cứu khoa học về vai trò của tâm lý lâm sàng trong các lĩnh vực của cuộc sống”, GS.TS.Ngô Quý Châu nói.

Nhiều khuyến cáo mới trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam - 2

Tại Hội nghị này, hàng loạt kết quả nghiên cứu cũng được các nhà khoa học được ra. Chẳng hạn như nghiên cứu đánh giá tình trạng suy giảm nhận thức của bệnh nhân HIV điều trị bằng ARV tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương của các cán bộ ở Viện Sức khỏe tâm thần đã đưa ra kết luận: Suy giảm nhận thức là một vấn đề cần được quan tâm trong thực hành lâm sàng đối với bệnh nhân HIV. Để đánh giá suy giảm nhận thức có thể sàng lọc nhanh bằng các test MMSE, IHDS. Dựa vào đánh giá nhận thức chúng ta có thể có chế độ can thiệp phù hợp.

Phát hiện sớm, sàng lọc suy giảm nhận thức can thiệp sớm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân HIV.

Hay như nghiên cứu về trầm cảm ở thanh thiếu niên liên quan đến mối quan hệ của gia đình của Thạc sỹ Vũ Văn Thuấn, Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Tú (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) cũng đưa ra khuyến cáo: Các ứng xử của gia đình, những trải nghiệm của bản thân trẻ, những kỹ năng xã hội trẻ được học tập sẽ tạo ra cho trẻ những cách suy nghĩ và ứng phó với những khó khăn và tình huống trong quá trình phát triển,

Sự kết nối giữa bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý trong việc cùng xác định hướng chẩn đoán và phối hợp điều trị có vai trò tích cực trong việc điều trị cho bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm ở thanh thiếu niên. Sự phối hợp và tham gia điều trị giữa bác sĩ, nhà tâm lý, gia đình và bệnh nhân đóng vai trò mấu chốt trong thành công của điều trị cho bệnh nhân trầm cảm…

Nguyễn Hùng