1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nhiệt độ đại dương năm 2019 ấm nhất trong lịch sử loài người được ghi nhận

(Dân trí) - Đại dương của chúng ta không chỉ là một phương tiện vận chuyển chất lỏng và môi trường sống cho hải sản, chúng còn là nơi hấp thụ nhiệt.

Nhiệt độ đại dương năm 2019 ấm nhất trong lịch sử loài người được ghi nhận - 1
Nhiệt độ của đại dương trên Trái đất nóng lên một cách đáng lo ngại.

Thực tế có hơn 90% nhiệt lượng dư thừa từ các khí nhà kính phát ra từ con người tích tụ trong vùng biển. Bằng cách đo sự gia tăng độ ấm, các nhà khoa học có thể tiết lộ thêm về tốc độ nóng lên toàn cầu của hành tinh chúng ta.

"Các đại dương thế giới vào năm 2019 là nơi ấm nhất trong lịch sử loài người được ghi nhận", một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ 11 viện nghiên cứu trên toàn thế giới công bố.

Tác giả chính của nhóm nghiên cứu Lijing Cheng đã so sánh sức nóng này với bom nguyên tử ở Hiroshima, phát nổ với năng lượng vụ nổ khoảng 63.000.000.000.000 Joules nhiệt. Khoảng 3,6 tỷ vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima đã được thêm vào đại dương thế giới trong một phần tư thế kỷ qua.

"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang tăng tốc. Trên thực tế, tốc độ sưởi ấm hiện nay lớn hơn khoảng 500% so với những năm 1980 và trước đó. Đây là một vấn đề sẽ không thể tự cải thiện được. Chúng ta cần phải giải quyết ngay bây giờ”, đồng tác giả John Abraham, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học St. Thomas ở Mỹ nhấn mạnh.

Khi năng lượng của Mặt trời đến Trái đất, một phần năng lượng được phản xạ trở lại không gian và phần còn lại được hấp thụ và tái bức xạ bởi các khí nhà kính như carbon dioxide. Đây được gọi là hiệu ứng nhà kính giữ ấm Trái đất của chúng ta.

Nhiệt được phân phối khắp các đại dương Trái đất, với Đại Tây Dương và Nam Đại Dương cho thấy một trong những xu hướng ấm lên lớn nhất so với hầu hết các lưu vực khác. Kể từ những năm 1970, Nam Đại Dương dược biết đến là một tâm điểm của sự gia tăng nhiệt độ, với 35 đến 43% sự gia tăng của nhiệt lượng đại dương toàn cầu đã rơi xuống đại dương phía nam trong khoảng thời gian từ 1970 đến 2017.

Sự nóng lên của đại dương có nghĩa là sự biến thiên tự nhiên tạo ra các điểm nóng và sóng nhiệt biển dẫn đến hậu quả lớn cho tất cả các hệ sinh thái biển, từ sinh vật phù du đến cá đến động vật có vú và chim biển. Hơn 100 triệu cá tuyết đã bị mất.

Các nhà nghiên cứu đã thu được các giá trị của họ từ phân tích đại dương của Viện Vật lý Khí quyển (IAP), sử dụng một phương pháp để tính toán dữ liệu và cập nhật trong các công cụ được sử dụng để đo nhiệt độ đại dương. Họ đã xoay sở để tính toán nhiệt độ đại dương xuống tới 2.000 mét bằng cách quan sát từ nhiều thiết bị đo lường khác nhau từ Cơ sở dữ liệu Đại dương Thế giới của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA).

Các đại dương nóng lên là bằng chứng không thể chối cãi rằng Trái đất đang nóng lên. Không có sự thay thế tự nhiên nào để giải thích điều này. Đây không phải là một chu kỳ tự nhiên. Đây là do con người gây ra. Dường như sự nóng lên của đại dương và hậu quả của nó đã bị bỏ qua rất lâu.

Nó có rất nhiều hậu quả như làm tan chảy các tảng băng từ đáy vì nóng lên đại dương, tẩy trắng các rạn san hô, mực nước biển dâng cao (vì nước nóng lên), tạo ra siêu bão và bão siêu tốc, làm giảm oxy hòa tan trong đại dương do nước ấm hơn có khả năng hòa tan oxy ít hơn, làm tăng các thái cực như sóng nhiệt biển v.v ... Những căng thẳng gây ra bởi thay đổi môi trường đại dương rõ ràng gây ra rủi ro cao cho đa dạng sinh học và nghề cá, và gây thiệt hại kinh tế không nhỏ

Nhóm nghiên cứu cho biết cần lưu ý rằng sự nóng lên của đại dương sẽ tiếp tục ngay cả khi nhiệt độ không khí bề mặt được giữ ở mức hoặc dưới 2°C.

Minh Long

Theo IFL Science