Nhiên liệu lỏng đặc biệt có thể lưu trữ năng lượng của Mặt Trời trong 18 năm
(Dân trí) - Trong một phát minh mới, các nhà khoa học tạo ra một chất liệu đặc biệt có thể lưu trữ năng lượng Mặt Trời đến 18 năm.
Các nhà khoa học Thụy Điển vừa qua thông báo đã phát triển thành công một loại chất lỏng chuyên dụng có thể lưu trữ năng lượng từ Mặt Trời trong hơn một thập kỷ.
"Nhiên liệu lưu trữ nhiệt Mặt Trời giống như pin sạc. Bạn có thể thu được ánh sáng Mặt Trời vào và thoát nhiệt ra sau đó, kích hoạt theo yêu cầu", Jeffrey Grossman, một kỹ sư làm việc với các vật liệu này tại MIT giải thích với NBC News.
Chất lỏng này thực sự là một phân tử đặc biệt ở dạng lỏng mà các nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển, đã nỗ lực cải thiện trong hơn một năm.
Phân tử bao gồm carbon, hydro và nitơ. Khi nó bị ánh sáng Mặt Trời chiếu vào, nó có thể liên kết giữa các nguyên tử của nó được sắp xếp lại và biến thành một phiên bản mới đầy năng lượng.
Giống như con mồi bị mắc bẫy, năng lượng Mặt Trời bị thu giữa các liên kết hóa học của đồng phân và nó tồn tại ở đó ngay cả khi phân tử nguội dần đến nhiệt độ phòng.
Khi cần năng lượng chất lỏng sẽ giải phóng năng lượng dưới dạng nhiệt.
"Năng lượng trong đồng phân này hiện có thể được lưu trữ tới 18 năm. Khi chúng tôi trích xuất năng lượng và sử dụng nó, chúng tôi sẽ có được sự gia tăng nhiệt lớn hơn những gì chúng tôi dám hy vọng”, nhà khoa học vật liệu nano Kasper Moth-Poulsen từ Đại học Chalmers cho biết.
Hệ thống đặc biệt này sẽ hoạt động theo cách tuần hoàn, bơm qua các ống trong suốt, chất lỏng được làm nóng lên bởi ánh sáng Mặt Trời.
Khi cần năng lượng, chất lỏng được lọc qua một chất xúc tác đặc biệt giúp chuyển các phân tử trở lại dạng ban đầu, làm nóng chất lỏng thêm 63 độ C.
Chất lỏng đặc biệt này được các nhà khoa học hi vọng có thể được sử dụng cho các hệ thống sưởi ấm trong nhà, cung cấp năng lượng cho máy nước nóng của tòa nhà, máy rửa chén, máy sấy quần áo và nhiều thứ khác.
Nếu tất cả diễn ra theo kế hoạch, các nhà khoa học nghĩ rằng công nghệ này có thể được sử dụng cho mục đích thương mại trong vòng 10 năm tới.
Khôi Nguyên (Theo Science Alert)