1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh, viên đạn vẫn bị nhiếp ảnh gia "tóm gọn"

Minh Khôi

(Dân trí) - Mặc dù có thể đạt tới tốc độ tối đa khoảng 900 mét/giây, song viên đạn tại thời điểm phỏng ra khỏi nòng súng vẫn bị các nhiếp ảnh gia "tóm gọn" ở Thế Vận hội Mùa đông 2022.

Nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh, viên đạn vẫn bị nhiếp ảnh gia tóm gọn - 1

Trung bình, tốc độ viên đạn khi đi ra khỏi nòng súng là khoảng 900 mét/giây. Với vận tốc di chuyển này, chúng ta gần như không thể nhìn thấy quỹ đạo bay của viên đạn bằng mắt thường. Tuy nhiên với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, các nhiếp ảnh gia đã có thể chụp khoảnh khắc "đóng băng" viên đạn giữa không trung, bằng một ống kính camera chuyên dụng. 

Tại Biathlon World Cup - trong khuôn khổ Thế Vận hội Mùa đông 2022, nhiếp ảnh gia Göran Strand đã chứng minh điều này bằng một tấm ảnh được chụp bằng máy ảnh mirrorless Z9 của Nikon. 

Cũng trong cùng bộ môn thi đấu, một nhiếp ảnh gia khác là Vytautas Dranginis cũng đã chụp được ảnh viên đạn sau khi nó ra khỏi nòng súng bằng chiếc Sony Alpha 1.

Được biết, trong khi chiếc Z9 của Nikon có thể chụp với tốc độ đáng kinh ngạc là 120 khung hình/giây cho các bức ảnh 11 megapixel, thì chiếc flagship Sony Alpha 1 chụp được 30 khung hình/giây bằng màn trập điện tử.

Nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh, viên đạn vẫn bị nhiếp ảnh gia tóm gọn - 2

Viên đạn đóng băng giữa không trung được chụp bằng Sony Alpha 1 ở tốc độ màn trập 1/32000 giây. 

Nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh, viên đạn vẫn bị nhiếp ảnh gia tóm gọn - 3

Ảnh chụp bởi Nikon Z9.

Như đã đề cập, trung bình, một viên đạn có thể đạt tới tốc độ tối đa khoảng 900 mét/giây, gấp gần 3 lần vận tốc âm thanh trong không khí khoảng 344 mét/giây. Sở dĩ có được tốc độ này là do áp suất sinh ra từ khi bóp cò súng, khiến lò xo đập kim hỏa vào đuôi của viên đạn, và kích hoạt một phản ứng nổ, đẩy đầu đạn bay về phía trước.

Khi lao ra khỏi nòng súng, viên đạn xoay tròn với tốc độ rất nhanh do nòng súng được thiết kế có dạng rãnh xoắn. Điều này giúp cho viên đạn bay thẳng hơn trong không khí và khả năng bắn trúng mục tiêu tăng cao.

Theo các nghiên cứu, khi được bắn ra, viên đạn chịu một số lực khác nhau như lực cản không khí, lực xoay tròn, lực hồi chuyển... Do vậy, khi bay trong không khí, viên đạn trên thực tế sẽ không thể bay theo một đường thẳng hoàn hảo, mà bay theo một quỹ đạo rất phức tạp.

Nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh, viên đạn vẫn bị nhiếp ảnh gia tóm gọn - 4

Viên đạn được bắn ra khỏi nòng súng sẽ di chuyển theo dạng xoắn ốc nhằm tăng độ chính xác và sức công phá.

Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng do có vận tốc di chuyển cực nhanh nên viên đạn có sát thương dựa trên động lượng và động lực học rất lớn, và có thể gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Ước tính, một viên đạn được bắn ra từ khẩu súng trường trúng mục tiêu trong 1/10 giây có thể tạo ra một lực tương đương với một chiếc xe tải hạng nặng nghỉ trong 10 giây.

Thế nhưng, kích thước của những viên đạn và cách thiết kế của chúng cũng có ảnh hưởng đáng kể tới sức công phá. Cụ thể, viên đạn có khối lượng nhỏ, nhưng vận tốc lớn thì xuyên sâu hơn vào các loại vật liệu khác nhau, còn viên đạn nặng hơn có sức xuyên kém, bù lại nó sinh ra năng lượng lớn khi va chạm và dễ dàng phá hủy mục tiêu. 

Do đó, đạn 500 S & W Magnum được công nhận là loại đạn súng ngắn mạnh nhất trên thế giới trong số những loại đạn được sản xuất thương mại. Nó có đường kính 12,7 mm - lớn gấp rưỡi so với đạn súng tiểu liên AK (7,85 mm), và khối lượng cũng lớn hơn đáng kể, từ 17,8 g đến 45 g.