Nhận định mới về sự kiện tuyệt chủng hàng loạt chấm dứt Kỷ Tam điệp
(Dân trí) - Sự kiện tuyệt chủng đem đến Kỷ Jura cách đây khoảng 200 triệu năm là một trong những đợt tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trong lịch sử của hành tinh chúng ta.
Khoảng 25-34% sinh vật biển và nhiều nhóm sinh vật đất liền đã hoàn toàn bị tiêu diệt, dọn đường cho khủng long và dực long thống trị Trái Đất khoảng 135 triệu năm sau đó.
Nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy sự kiện tuyệt chủng này xảy ra muộn hơn như vậy và làm sáng tỏ nhiều yếu tố đi kèm.
Giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là những vụ nổ núi lửa khủng khiếp đã tiêu diệt sự sống trên Trái Đất vào giai đoạn chuyển giao giữa Kỷ Tam điệp và Kỷ Jura, mặc dù cũng có một vài giả thuyết khác, như là va chạm giữa Trái Đất với một tiểu hành tinh và biến đổi khí hậu dần dần.
Để hình dung rõ hơn về điều gì đã xảy ra, nghiên cứu mới này tập trung vào các dấu ấn sinh học hóa thạch phân tử trong các tảng đá ở kênh Bristol ngoài khơi vùng biển Anh, mà thời đó là một phần của Toàn Lục Địa.
Các mẫu vật cho thấy bằng chứng về một tham vi sinh vật cổ đại, những cộng đồng vi sinh vật phức hợp bảo tồn những chỉ báo của điều kiện khí quyển vào thời đó.
Những biến đổi của hệ sinh thái ở vùng đất này của Vương quốc Anh và vùng ngập nước ở Trung Âu được coi là một chỉ báo cho biết điều gì đã xảy ra, trong đó có sự sụt giảm đột ngột carbon-13 hữu cơ, một dấu hiệu ban đầu của những biến đổi khí quyển dẫn đến sự kiện này.
Nhưng các nhà khoa học cho biết hóa ra đấy không phải là chỉ báo trực tiếp của sự kiện Tam điệp – Jura, mà chính những biến đổi do mực nước biển và tình trạng khử muối của nước biển đã tạo ra những điều kiện hoàn hảo để các thảm vi sinh vật này sống sót.
Những biến đổi này đưa thành phần hữu cơ của đại dương vào giai đoạn chuyển tiếp, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hàng chục nghìn năm sau, vào cuối kỳ Reti, sự kiện tuyệt chủng mới thực sự bắt đầu.
Tuy nhiên, hiện tượng mực nước biển hạ xuống mà nhóm nghiên cứu phát hiện ra có thể là một dấu hiệu của những dịch chuyển ban đầu của các kiến tạo Trái Đất đã dẫn đến những vụ phun trào núi lửa sau đó, và cuối cùng là sự tan vỡ của Toàn Lục Địa.
Nhận định này phù hợp với các phát hiện của một nghiên cứu khác về hoạt động mắc ma xảy ra ở khu vực này 100.000 năm trước vụ nổ núi lửa đầu tiên liên quan đến sự kiện tuyệt chủng.
Tìm hiểu ngược trở lại nhiều triệu năm trước là việc rất khó, nhưng những dấu vết hóa thạch còn lại trên Trái Đất vô cùng giá trị, chúng cho thấy những điều kiện khí quyển vào thời gian xảy ra những đợt tuyệt chủng hàng loạt.
Giống như hầu hết các nghiên cứu về lịch sử của sự sống và khí hậu trên hành tinh chúng ta, những phát hiện này có thể giúp chúng ta hiểu về cách biến đổi của khí hậu ngày nay.
Nhà hóa học địa chất Kliti Grice của Trường đại học Curtin, Anh, nói rằng “nghiên cứu mới này cho thấy các thảm vi sinh vật có chức năng quan trọng trong một số sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cũng như giữ một vai trò nhất định trong việc bảo tồn những phần còn lại của sự sống, trong đó có những mô mềm của vi sinh vật đã chết trong các điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Hiểu biết thêm về mức carbon dioxide trong thời kỳ xảy ra sự kiện tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Tam điệp mang đến những chi tiết quan trọng hữu ích để bảo vệ môi trường và sức khỏe của các hệ sinh thái cho các thế hệ con cháu chúng ta”.