Nguyên nhân của cái Chết Đen có thể không phải là chuột
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho thấy loài chuột có thể bị nhầm lẫn là nguyên nhân lây lan Bệnh dịch hạch chết người trong cái Chết Đen ở Châu Âu thời trung cổ.
Lâu nay, người ta vẫn tin rằng những con chuột lang thang góp phần lây lan một đợt dịch bệnh tàn phá khủng khiếp từ năm 1346 đến đầu thế kỷ 19. Đại dịch Cái chết đen này được xác định đã giết hại một phần ba dân số Châu Âu, hoặc 25 – 50 triệu người.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các mô phỏng máy tính để phát hiện sự lây lan của bệnh dịch hạch và phát hiện ra chuột là một trong những nguyên nhân ít có khả năng xảy ra nhất.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oslo và Đại học Ferrara nói rằng thực sự nguyên nhân phần lớn là do "bọ chét và chấy rận trên con người".
Để đưa ra kết luận, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ 9 đợt dịch hạch trên khắp châu Âu, và theo dõi bệnh dịch phát triển theo thời gian như thế nào. Sau đó, họ có thể sử dụng các mô hình toán học để mô phỏng sự bùng phát dịch bệnh.
Những mô phỏng đã theo dõi bệnh này được lây lan như thế nào bởi chuột, truyền qua không khí, hay bọ chét và chấy rận trên quần áo của con người.
So sánh các kết quả của những mô phỏng với dữ liệu trong thực tế có thể tìm ra các kết quả gần đúng - và dự đoán được nguyên nhân thực sự.
Kết quả cho thấy, có 7 trường hợp, mô hình lây lan qua người gần khớp với đại dịch thực tế.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Mặc dù người ta thường giả định rằng chuột và bọ chét trên chuột lan truyền bệnh trong Đại Dịch lần thứ hai, nhưng có rất ít sự ủng hộ về mặt lịch sử và địa lý cho lời tuyên bố đó."
Chia sẻ với The sun, Christopher Callow, Giảng viên cao cấp về Lịch sử Trung cổ tại Đại học Birmingham, cho biết những phát hiện này dường như là tương đối cũng giống các lý thuyết khác.
"Chẳng hạn, nó có ý nghĩa đối với một nơi hẻo lánh như Iceland, nơi mà dịch hạch đến muộn hơn so với ở những nơi khác, và là nơi thật khó có thể tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về chuột ở thời trung cổ".
Tiến sĩ Miriam Mueller, một chuyên gia về lịch sử thời Trung Cổ, cũng phát biểu với The Sun rằng bà không ngạc nhiên về kết quả.
“Bệnh dịch hạch xảy ra ở châu Âu thời trung cổ vào giữa thế kỷ XIV dường như không giống như sự bùng phát dịch bệnh hiện đại". "Từ lâu, tôi đã rất hoài nghi về vai trò vốn đã được áp đặt lên chuột trong sự lan truyền bệnh này".
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều tin tưởng các bằng chứng này. Chuyên gia Charles Evans cho rằng không ai bị bệnh dịch hạch hiện đại do vi khuẩn Yersinia Pestis được mô tả là "liên quan đến việc truyền qua chấy rận trên người".
"Mặt khác, dịch bệnh dịch hạch gần đây nhất ở Madagascar liên quan đến việc truyền bệnh chủ yếu qua tuyến đường hô hấp."
"Người ta cũng biết rằng loài chuột đen vẫn tồn tại như ổ chứa dịch bệnh riêng biệt”. “Nghiên cứu này dường như không đưa ra câu trả lời cuối cùng vì nó dựa trên mô phỏng máy tính".
Đào Hiền (Theo The Sun)