1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nguồn tin khoa học đồ sộ trong lòng thư viện cổ nhất Việt Nam

(Dân trí) - Nằm ngay trung tâm của thủ đô Hà Nội, Thư viện KH&CN quốc gia là một trong những thư viện cổ kính nhất ở nước ta nhưng chứa đựng nguồn tin số về khoa học đồ sộ, luôn sẵn sàng phục vụ bạn bọc trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thư viện cổ kính giữa trung tâm Hà Nội

Tiền thân là Thư viện của Học viện Viễn đông Bác cổ được thành lập từ năm 1901, Thư viện KH&CN quốc gia hiện vẫn giữ nguyên nét cổ kính, từ tòa biệt thự rêu phong nhuốm màu thời gian, kệ gỗ lim vững chãi thời Pháp tới những cuốn sách quý đã cùng quân dân cả nước trải qua hai kỳ kháng chiến cứu nước. Nơi đây cũng là bối cảnh lý tưởng được các đoàn làm phim lựa chọn khi quay những thước phim tái hiện văn hóa, lịch sử của nhiều thập kỷ trước.

Trụ sở thư viện là tòa biệt thự Pháp cổ ngay trên phố Lý Thường Kiệt, trung tâm quận Hoàn Kiếm

Nguồn tin khoa học đồ sộ trong lòng thư viện cổ nhất Việt Nam - 1
Thư viện có 7.700 đầu tạp chí KH&CN in xuất bản bằng các ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Việt.
Nguồn tin khoa học đồ sộ trong lòng thư viện cổ nhất Việt Nam - 2
Một góc phòng đọc của thư viện
Nguồn tin khoa học đồ sộ trong lòng thư viện cổ nhất Việt Nam - 3

Kho sách thư viện trong một lần sử dụng làm bối cảnh phim trường. Tại đây lưu giữ và phục vụ 350.000 quý từ trước năm 1945 tới nay.

Để thư viện không trở thành những “nấm mồ chôn sách”

Chị Hoàng Kim Sinh, cán bộ thư viện cho biết: “Trước đây, thông tin trên Internet chưa phổ biến, nguồn tài liệu còn khan hiếm, Thư viện lúc nào cũng đông kín chỗ, tài liệu mượn trả tấp nập, thủ thư làm việc không có thời gian nghỉ. Nhưng từ khoảng năm 2002, bạn đọc tới thư viện giảm dần. Họ có những lựa chọn khác thuận tiện hơn là tới thư viện đọc sách. Nhưng chúng tôi luôn nghĩ rằng, các thế hệ cán bộ đi trước đã đổ máu và mồ hôi để bảo toàn được kho tư liệu quý của thư viện qua hai cuộc chiến, không thể để chúng trở thành vô nghĩa”.

Trước nguy cơ thư viện trở thành “những nấm mồ chôn sách” như lo ngại của nhiều người, Thư viện đã đặt ra khẩu hiệu “bạn đọc không tới thư viện, thư viện tìm đến bạn đọc”. Từ năm 2003, thư viện đã chuyển đổi gần như toàn bộ nguồn kinh phí sang bổ sung tài liệu điện tử, và là thư viện đầu tiên trong cả nước cấp quyền truy cập từ xa tới các cơ sở dữ liệu toàn văn phục vụ học tập và nghiên cứu.

Tới nay, “dịch vụ bạn đọc đặc biệt” của thư viện đã được giới khoa học truyền tay nhau như một kênh cung cấp tài liệu tham khảo quan trọng. Bạn đọc không cần tới trụ sở của thư viện mà có thể sử dụng nguồn tài liệu quý mọi lúc, mọi nơi, trên điện thoại, máy tính bảng, laptop… Sau này, nhiều thư viện trong cả nước đã học tập và triển khai thành công mô hình này của Thư viện KH&CN quốc gia.

Nguồn tin khoa học đồ sộ trong lòng thư viện cổ nhất Việt Nam - 4

Lãnh đạo Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), đơn vị chủ quản của Thư viện KH&CN quốc gia cho biết: “Dịch vụ trực tuyến của thư viện phát triển, đồng nghĩa với việc bạn đọc sẽ ít phải đến thư viện hơn. Hiện nay, cứ 100 bạn đọc trực tuyến thì mới có 1 bạn đọc tại chỗ. Tuy nhiên, thư viện vẫn mở cửa hàng ngày tiếp nhận người đam mê khoa học đến tìm hiểu thông tin”. 

Lãnh đạo Cục Thông tin KH&CN quốc gia cũng cho biết thêm, các cơ sở dữ liệu có thể truy cập online bao gồm:

CSDL Công bố KH&CN Việt Nam (STD): là CSDL toàn văn về tài liệu KH&CN Việt Nam, được xây dựng và cập nhật từ năm 1987. Hiện tại, STD có hơn 260.000 biểu ghi, trong đó 190.000 biểu ghi có đính kèm tài liệu gốc định dạng tệp PDF. STD được cập nhật hàng tuần. Trung bình mỗi năm cập nhật mới trên 11.000 tài liệu.

CSDL Nhiệm vụ KH&CN Việt Nam: là CSDL lớn nhất Việt Nam về kết quả thu được từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của nhiệm vụ KH&CN, bao gồm: báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ; phụ lục tổng hợp các số liệu điều tra, khảo sát, bản đồ, bản vẽ, ảnh, tài liệu đa phương tiện; phần mềm được đăng ký và giao nộp tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

CSDL có trên 34.000 biểu ghi mô tả thư mục và tóm tắt; được cập nhật khoảng 1200-1500 nhiệm vụ/năm. Sử dụng cơ sở dữ liệu này, bạn đọc có thể biết các thông tin chi tiết về chủ nhiệm và các cán bộ tham gia đề tài nghiên cứu, cơ quan chủ trì và tóm tắt các kết quả chủ yếu của đề tài.

ScienceDirect: là nguồn thông tin thiết yếu đối với công tác nghiên cứu và đào tạo. Đây là bộ sưu tập toàn văn bao trùm các tài liệu khoa học nòng cốt với nhiều tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao của Elsevier, nhà xuất bản lớn nhất thế giới về cung cấp thông tin khoa học, kỹ thuật và y tế... ScienceDirect hiện nay có hơn 9 triệu bài viết toàn văn và mỗi năm tăng thêm ½ triệu bài, bao quát 24 lĩnh vực khoa học và công nghệ. Số tạp chí được phản biện lên tới trên 2.500 đầu tên.

IEEE Xplore Digital Library: Thư viện điện tử IEEE Xplore Digital Library của IEEE (Viện các kỹ sư điện và điện tử Hoa Kỳ) có thể cung cấp trên 3.000.000 tài liệu toàn văn chất lượng cao nhất thế giới về các lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông, tự động hóa, năng lượng,v.v. . Các tài liệu này được đăng trên 160 tạp chí của IEEE và 1.200 bộ kỷ yếu hội nghị, hội thảo do IEEE tổ chức. Thư viện được cập nhật hàng tuần với hơn 20.000 tài liệu mới hàng tháng trong đó có cả các bài được phép cung cấp trước khi xuất bản.

ACS: Cơ sở dữ liệu tạp chí hóa học của Hội Hóa học Hoa Kỳ (Americal Chemical Society) hiện đang xuất bản 44 tạp chí khoa học chuyên ngành hàng đầu thế giới. ACS đăng tải các nghiên cứu trong hóa học và các lĩnh vực liên quan từ hơn 130 năm nay. CSDL này còn cung cấp cả các bản tin hàng tuần về doanh nghiệp và các hoạt động trong công nghệ hóa học.

Springer Nature: Springer Nature là một trong các nguồn tin điện tử hàng đầu thế giới, bao gồm hơn 2.700 tên tạp chí khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực như: các ngành kỹ thuật, hóa học, khoa học vật liệu, khoa học máy tính, y học... Các tạp chí được xếp theo các sưu tập chuyên đề, giúp tra cứu dễ dàng.

Ngoài ra bạn đọc có thể xem toàn văn trên 44.000 cuốn sách do nhà xuất bản Springer xuất bản từ năm 1968 đến nay mà NASATI đã mua quyền truy cập. Springer Link là nguồn dữ liệu ưu tiên cho các nhà nghiên cứu ở trường đại học các doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu quan trọng khác.

Proquest Central: Proquest Central là bộ cơ sở dữ liệu lớn bao gồm 25 cơ sở dữ liệu đa ngành, xử lý trên 19.000 tạp chí, trong đó hơn 13.000 tạp chí toàn văn. Dữ liệu của Proquest Central bao quát trên 160 lĩnh vực chủ đề khác nhau thuộc các ngành khoa học nòng cốt như: Kinh tế - kinh doanh, Y học, Công nghệ, Khoa học xã hội…

Ngoài ra, Proquest Central còn cung cấp toàn văn của 56.000 luận văn trong các lĩnh vực tâm lý học, kinh doanh, khoa học vật lý, y tế, giáo dục…và đưa ra các thông tin cô đọng về kinh tế, kinh doanh thông qua các báo cáo từ hàng trăm ngành công nghiệp tại 90 quốc gia, cung cấp 43.000 hồ sơ doanh nghiệp, thu thập trên 1.000 tài liệu hội nghị và 1.300 tờ báo quốc tế, bao gồm cả những tờ báo hàng đầu của Mỹ như The Wall Street Journal…

Scopus: Ra đời vào tháng 11/2004, Scopus là cơ sở dữ liệu tóm tắt và trích dẫn lớn nhất của Elsevier chứa cả những nguồn học liệu nghiên cứu được phản biện kín và nguồn dữ liệu web giá trị.

Với tài liệu từ hơn 5.000 nhà xuất bản quốc tế, SciVerse Scopus cung cấp cho cộng đồng nghiên cứu nguồn dữ liệu tổng hợp, truy cập và tìm kiếm đơn giản, nhanh chóng để hỗ trợ cho nhu cầu nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y học, khoa học xã hội, kể cả mới đây nhất là lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn.

Bạn đọc có thể đến thư viện và vào cửa tự do, mang theo chứng minh thư, cấp thẻ đọc miễn phí.

 Bạn đọc trực tuyến thì cần điền đơn đăng ký, có xác nhận của cơ quan và gửi email về thư viện (bandoc@vista.gov.vn). Hoặc hotline: 024.39349928

Nguyễn Hùng