1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nguồn nhân lực CNTT là then chốt trong cách mạng công nghiệp lần 4

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ông Phạm Đại Dương cho biết, cách mạng công nghiệp lần 4 là sẽ là cách mạng công nghệ số, chính vì vậy nguồn nhân lực CNTT có kỹ năng cao là rất cần thiết trong quá trình phát triển chung của đất nước Việt Nam.

Ngày 21/9 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức buổi hội thảo: Phát triển nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản. Tại hội thảo, Cục phát triển CNTT Nhật Bản đã giới thiệu Chương trình chuẩn kỹ năng CNTT của nước này.

Tham dự buổi hội thảo này, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhấn mạnh, nguồn nhân lực CNTT có kỹ năng chuẩn Nhật Bản là lực lượng quan trọng giúp Việt nam từng bước hội nhập châu Á và quốc tế trước thềm cách mạng công nghệ số.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh, nguồn nhân lực CNTT có kỹ năng cao là rất cần thiết trong quá trình phát triển chung của đất nước Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh, nguồn nhân lực CNTT có kỹ năng cao là rất cần thiết trong quá trình phát triển chung của đất nước Việt Nam.

Trước đó, từ tháng 10/2000, Chính phủ Nhật Bản đề xuất "Sáng kiến chuẩn hóa kỹ năng CNTT của châu Á". Một phần của hệ thống này là hệ thống sát hạch kỹ sư CNTT được công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực. Theo đó, các kỳ sát hạch kỹ sư CNTT tại các nước ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc được tổ chức dựa trên các chuẩn kỹ năng được công nhận tương đương giữa các nước. Đến nay, đã có 11 nước tham gia vào hệ thống này: Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Philippine, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Myanmar.

Chương trình hỗ trợ và sát hạch kỹ sư CNTT theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam được bảo trợ bởi Hội đồng chuẩn kỹ năng CNTT châu Á - ITPEC và Cục xúc tiến CNTT - IPA Nhật Bản.

Tháng 6/2002, Trung tâm đào tạo VITEC được Bộ KH&CN thành lập. Và bắt đầu từ năm 2003, Trung tâm đào tạo VITEC tổ chức 2 kỳ sát hạch tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM vào tháng 4 và tháng 10; sau đó có thêm Huế, Cần Thơ. Các thí sinh đỗ kỳ thi này đều nhận được chứng nhận do Bộ KH&CN cấp, chứng nhận này được công nhận tương đương với chứng nhận do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cấp tại Nhật Bản.

Tại Việt Nam, Chương trình sát hạch CNTT được VITEC thực hiện nhằm đánh giá năng lực của đội ngũ CNTT. Việt Nam hiện nay có 3 loại hình sát hạch được công nhận tương đương với Nhật Bản, là Hộ chiếu CNTT (IP), Kỹ sư CNTT cơ bản (FE) và Kỹ sư ứng dụng (AP).

Cũng tại buổi hội thảo này, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT, đưa ra các hướng triển khai nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực CNTT: Xây dựng quy định về áp dụng chuẩn kỹ năng nhân lực CNTT chuyên nghiệp; Phối hợp với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đồng bộ hóa giảng dạy; Thường xuyên cập nhật và bổ chuẩn kỹ năng; Công nhận tương đương các chuẩn kỹ năng quốc tế và khu vực.

Ngoài ra, tại hội thảo, ông Ogawa Kenji, Giám đốc chương trình ITPEC Nhật Bản đã giới thiệu chi tiết Chương trình chuẩn kỹ năng CNTT của Nhật Bản. Ông Ogawa chỉ rõ, ITSS (chuẩn kỹ năng IT Nhật Bản) chia mức độ tay nghề thành 7 mức. Thấp nhất là mức 1 (học việc); mức 2 (cần hỗ trợ); mức 3 (có thể tự làm); mức 4 (Leader); mức 5 (chuyên gia quyết định chính sách kỹ thuật trong công ty, tập đoàn); mức 6 (chuyên gia đầu ngành của quốc gia); mức 7 (chuyên gia có ảnh hưởng quốc tế).

H.L