Người Trung Cổ từng tin rằng có người tí hon sống trong tinh trùng của nam giới
(Dân trí) - Nghe có vẻ nực cười nhưng ở thời Trung Cổ, hầu hết mọi người đều tin rằng, ong là một loài chim đặc biệt, trẻ sơ sinh không hề biết đau, hay thậm chí là có người tí hon sống trong tinh trùng của nam giới!
Người Trung Cổ tin rằng, bộ não của trẻ sơ sinh không đủ phát triển để cảm nhận được nỗi đau. Thậm chí, quan niệm nghe có vẻ “ngớ ngẩn” này, chỉ vừa mới được chính thức bác bỏ từ cách đây hơn 30 năm.
Theo các văn thư còn được lưu giữ cho đến ngày nay, trong những ca tiểu phẫu trên trẻ nhỏ, dưới thời Trung Cổ, bác sĩ còn không sử dụng bất kỳ phương pháp giảm đau nào. Ngoài ra, họ còn cho rằng, việc trẻ quấy khóc trong trường hợp này chỉ là một cách để chúng làm nũng.
Người Trung Cổ có hệ thống phân loại thế giới động vật rất đặc biệt. Điển hình như việc hầu hết các trí thức thời kỳ đó đều xem ong là một loài chim. Có lẽ hiểu nhầm thú vị này xuất phát từ khả năng bay lượn của loài ong. Bên cạnh đó, ở thời kỳ này, người ta cũng đánh giá ong là một loài chim đặc biệt, bởi chúng có khả năng sản xuất ra mật, cũng như sở hữu tính kỷ luật bầy đàn hết sức chặt chẽ.
Từ hàng trăm năm trước, người dân ở nhiều quốc gia phương Tây đã tin rằng, có sự tồn tại của một lục địa ở giữa lòng Thái Bình Dương, nơi thường được họ gọi với cái tên là Pacifida (còn có cách gọi khác là Mu hoặc Lemuria). Ngoài ra, theo các truyền thuyết về đảo Phục Sinh còn lưu truyền cho đến ngày nay, Pacifida được cho là đã bị nhấn chìm dưới đáy đại dương, dẫn đến sự mất tích của nó trên bản đồ thế giới ở thời điểm hiện tại.
Có thể bạn không tin nhưng ở thời Trung Cổ, động vật cũng có thể bị kết án như một phạm nhân bình thường. Lịch sử từng ghi nhận trường hợp sâu bướm bị triệu tập ra tòa, vì phá hoại một khu vườn ở thành phố Lausanne, Thụy Sỹ.
Được biết, trong vụ án “hài hước” này, sau khi không thể đưa ra lời bào chữa cho mình, những “phạm nhân” sâu bướm đã bị đuổi ra khỏi thành phố. Loài động vật bị buộc tội nhiều nhất ở thời kỳ này là những chú mèo, bởi người xưa quan niệm mèo là hiện thân của quỷ dữ. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng mèo thời Trung Cổ bị giảm sút đáng kể, dẫn tới sự bùng phát của đại dịch chuột.
Có những người tí hon sống trong tinh trùng! Đó là quan niệm rất phổ biển ở thời Trung Cổ. Cụ thể hơn, theo cách phân tích của người xưa, trong cơ thể phụ nữ có một “thế giới” thu nhỏ, còn sứ mệnh của những con tinh trùng là đưa người “tí hon” vào nuôi dưỡng trong đó. Thời điểm đứa bé lọt lòng mẹ, chính là khi người tí hon này đã phát triển kích thước cơ thể đủ lớn.
Thảo Vy
Theo BS