Người Neanderthal có thể tạo ra giọng nói giống người?

Trang Phạm

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra những người anh em họ Neanderthal của loài người cũng có khả năng nghe và tạo ra âm thanh như giọng nói của người hiện đại.

Người Neanderthal có thể tạo ra giọng nói giống người? - 1
Mô hình 3D giải phẫu tai người hiện đại (trái) và người Neanderthal (phải).

Dựa trên phân tích chi tiết và tái tạo kỹ thuật số cấu trúc của xương trong hộp sọ của họ, nghiên cứu giải quyết một khía cạnh quan trọng của cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ về khả năng ngôn ngữ của người Neanderthal.

Nhà cổ sinh vật học Rolf Quam của Đại học Binghamton cho biết: "Đây là một trong những nghiên cứu quan trọng nhất mà tôi đã tham gia trong suốt sự nghiệp của mình. Các kết quả đạt được là chắc chắn, cho thấy rõ ràng người Neanderthal có khả năng nhận thức và tạo ra giọng nói như của con người. Đây là một trong số rất ít các dòng nghiên cứu hiện tại, đang diễn ra dựa trên bằng chứng hóa thạch để nghiên cứu sự tiến hóa của ngôn ngữ, một chủ đề rất phức tạp trong nhân chủng học".

Quan điểm cho rằng người Neanderthal (Homo neanderthalis) nguyên thủy hơn nhiều so với người hiện đại (Homo sapiens) đã lỗi thời. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng họ thông minh hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ. Họ có thể phát triển công nghệ, chế tạo công cụ, sáng tạo nghệ thuật và tổ chức tang lễ cho người chết.

Liệu họ có thực sự nói chuyện với nhau hay không vẫn còn là một bí ẩn. Những hành vi phức tạp của người Neanderthal dường như cho thấy rằng họ phải có khả năng giao tiếp, nhưng một số nhà khoa học cho rằng chỉ có con người hiện đại mới có khả năng tạo ra các quá trình ngôn ngữ phức tạp.

Người Neanderthal có thể tạo ra giọng nói giống người? - 2

Cho dù đó là trường hợp sẽ rất khó chứng minh theo cách này hay cách khác, nhưng bước đầu tiên sẽ là xác định xem liệu người Neanderthal có thể tạo ra và cảm nhận âm thanh trong phạm vi tối ưu cho giao tiếp dựa trên giọng nói hay không. Vì vậy, nhóm nghiên cứu do nhà cổ sinh vật học Mercedes Conde-Valverde dẫn đầu tại Đại học Alcalá ở Tây Ban Nha bắt đầu thực hiện bằng cách sử dụng một loạt các bộ xương thực sự cổ.

Họ đã chụp CT độ phân giải cao hộp sọ của 5 người Neanderthal để tạo ra các mô hình 3D ảo về cấu trúc tai. Họ cũng mô phỏng cấu trúc tai của người Homo sapiens và một hóa thạch cổ hơn nhiều - hộp sọ của Sima de los Huesos hominin, còn được gọi là Sima hominin, tổ tiên của người Neanderthal, có niên đại khoảng 430.000 năm trước.

Sau đó, một mô hình về khả năng nghe của các cấu trúc này từ lĩnh vực kỹ thuật sinh học thính giác và được sử dụng để hiểu dải tần mà tai nhạy cảm nhất, còn được gọi là băng thông bị chiếm dụng. Đối với con người hiện đại, băng thông chiếm dụng chính là âm vực của con người.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng người Neanderthal có thính giác tốt hơn trong phạm vi 4 - 5 kilohertz so với tổ tiên Sima và băng thông chiếm dụng của người Neanderthal gần với người hiện đại hơn so với người Sima hominin. Sự tối ưu hóa này cho thấy rằng người Neanderthal phải nghe được giọng nói của nhau.

"Đây thực sự là chìa khóa. Sự hiện diện của khả năng nghe tương tự, đặc biệt là băng thông chiếm dụng, chứng tỏ rằng người Neanderthal sở hữu một hệ thống giao tiếp phức tạp và hiệu quả như giọng nói của con người hiện đại", Conde-Valverde nói.

Điều thú vị là băng thông bị chiếm dụng của người Neanderthal mở rộng thành các tần số trên 3 kilohertz chủ yếu liên quan đến việc tạo ra phụ âm. Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng điều này sẽ phân biệt giọng nói của người Neanderthal với cách phát âm dựa trên nguyên âm của các loài linh trưởng không phải người và các động vật có vú khác.

Hầu hết các nghiên cứu trước đây về khả năng nói của người Neanderthal đều tập trung vào khả năng tạo ra các nguyên âm chính trong ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên các nhà khoa học thấy sự nhấn mạnh này không đúng chỗ, vì việc sử dụng phụ âm là một cách để đưa thêm thông tin vào tín hiệu giọng nói và nó cũng tách lời nói và ngôn ngữ của con người khỏi các mẫu giao tiếp ở gần như tất cả các loài linh trưởng khác.

Thực tế là nghiên cứu của các nhà khoa học đã chọn đây là một khía cạnh thực sự thú vị của nghiên cứu và là một gợi ý mới về năng lực ngôn ngữ trong tổ tiên loài người.

Việc có cấu trúc giải phẫu học có khả năng tạo ra và nghe giọng nói không nhất thiết có nghĩa là người Neanderthal có khả năng nhận thức để làm như vậy.

Sự khác biệt về hành vi song song với sự khác biệt về khả năng nghe giữa người Neanderthal và Sima hominin. Theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy sự phát triển của các hành vi phức tạp và khả năng giao tiếp bằng giọng nói.

"Kết quả của chúng tôi cùng với những khám phá gần đây chỉ ra các hành vi biểu tượng ở người Neanderthal, củng cố ý tưởng rằng họ sở hữu một loại ngôn ngữ, một loại ngôn ngữ rất khác biệt", các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh.