Người cổ đại đã tạo ra nghệ thuật hang động trong khi bị ảo giác?
Theo một nghiên cứu mới, con người ở thời kỳ đồ đá có thể đã cố tình mạo hiểm vào các hang động thiếu oxy để vẽ tranh trong khi bị ảo giác.
Vào thế kỷ 19, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loạt các hang động được trang trí có niên đại từ 40.000 đến 14.000 năm - thuộc thời kỳ đồ đá cũ trên hoặc cuối thời kỳ đồ đá - trên khắp Tây Âu. Các hang động, được tìm thấy chủ yếu ở Tây Ban Nha và Pháp, có đầy những bức tranh trên tường, nhiều trong số chúng nằm ở những khu vực chỉ có thể tiếp cận bằng những lối đi hẹp.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv, Israel đã tập trung vào một đặc điểm của những hang động sâu và hẹp, đặc biệt là những hang động cần ánh sáng nhân tạo để điều hướng vì lượng oxy ở đây rất thấp.
Họ phát hiện ra rằng nồng độ oxy phụ thuộc vào chiều cao của lối đi, với những lối đi ngắn hơn sẽ có ít oxy hơn. Mức độ oxy thấp như vậy có thể gây ra tình trạng thiếu oxy trong cơ thể, một tình trạng có thể gây nhức đầu, khó thở, lú lẫn và bồn chồn; nhưng tình trạng thiếu oxy cũng làm tăng hormone dopamine trong não, đôi khi có thể dẫn đến ảo giác.
Đối với các hang động có trần thấp hoặc sảnh nhỏ, nồng độ oxy giảm xuống thấp tới 11%, điều này sẽ gây ra các triệu chứng thiếu oxy nghiêm trọng hơn.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những người cổ đại đã chui vào những không gian tối tăm sâu thẳm này để tạo ra những trạng thái ý thức khác thường.
Các hang động có một ý nghĩa đặc biệt đối với những nền văn minh cổ đại này. Chúng được coi là "cổng kết nối với thế giới ngầm". Phát hiện cho thấy người cổ đại đã tìm kiếm ảo giác và tạo ra các mô tả hang động như một cách để duy trì mối liên hệ của họ với thế giới ngầm.
Các nhà nghiên cứu hiện hy vọng có thể phân tích xem có bao nhiêu người có thể ở cùng một lúc trong những hang động này với lượng oxy hạn chế và trong thời gian bao lâu.