1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Ngựa vằn đá văng sư tử, giải cứu con non trong gang tấc

(Dân trí) - Một đoạn video kịch tính ghi lại màn đụng độ chớp nhoáng giữa sư tử và ngựa vằn cho thấy không phải lúc nào kẻ săn mồi cũng giành phần thắng.

Ngựa vằn đá văng sư tử, giải cứu con non trong gang tấc

Đoạn video ghi lại cảnh sư tử tổ chức tấn công một bầy ngựa vằn và linh dương đầu bò đang gặm cỏ trên cánh đồng.

Kế hoạch của sư tử bước đầu thành công khi chúng chủ động tách bầy thú ăn cỏ thành hai nhóm. Trong khi những con sư tử khác tiếp tục truy đuổi nhóm lớn, thì một con sư tử đã tách bầy, đuổi theo nhóm nhỏ chạy về hướng ngược lại và đã tóm được một con ngựa vằn non, chưa trưởng thành.

Con sư tử nhanh chóng ngoạm cổ con mồi, đè ngửa nó xuống đất. Tưởng như đây sẽ là bữa ăn dễ dàng, thì bỗng nhiên xuất hiện một con ngựa vằn khác, dường như là mẹ của con ngựa bị khống chế.

Không chút do dự, con ngựa vằn dũng cảm lao vào chen ngang, thậm chí dùng chính đầu của nó làm đòn bẩy để gây sức ép với sư tử. Sự quyết liệt và mạnh mẽ của ngựa đã buộc sư tử phải tạm thời buông bỏ con mồi.

Thế nhưng ngay sau đó, sư tử lại tiếp tục tấn công. Trong một phân đoạn, tưởng như con ngựa vằn đã gặp nguy hiểm khi suýt chút nữa bị sư tử nhảy vồ lên lưng.

Trong lúc hiểm nguy, nó đã nhanh trí dùng độc chiêu đá hậu, tung cước trúng đầu kẻ săn mồi khiến "con mèo lớn" choáng váng và phải bỏ cuộc chơi giữa chừng.

Ngựa vằn đá văng sư tử, giải cứu con non trong gang tấc - 1

Trong tiếng Việt, tên gọi ngựa vằn đơn giản chỉ là những con ngựa có vằn. Thực ra thì họa tiết của chúng dạng sọc (trắng đen) hơn là các mảng màu vằn vện. Chính nhờ màu sắc đặc biệt này của ngựa vằn đã có tác dụng rất lớn giúp chúng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt tại châu Phi.

Cụ thể, màu sắc đen trắng xen kẽ giúp chúng làm giảm tới 70% nhiệt của ánh Mặt trời hấp thụ vào cơ thể. Cách bố trí các sọc trên cơ thể ngựa vằn cũng rất độc đáo, nó tạo ra các dấu hiệu riêng cho mỗi con ngựa vằn giống như dấu vân tay của con người. Còn đối với ngựa vằn thì đó là các sọc ở vai hoặc cổ, giúp chúng nhận biết các thành viên trong đàn.

Bên cạnh đó, ngựa vằn còn một "vũ khí bí mật", đó là cú đá hậu bằng hai chân sau với lực cực mạnh, có thể làm bể quai hàm của một con thú săn mồi nếu chúng dại dột đứng trong tầm chân.

Tuy nhiên, không phải các con thú săn mồi, mà chính cuộc sống hiện đại của con người mới là thứ gây tác động lớn nhất đến quần thể ngựa vằn, khi chúng đã và vẫn đang bị săn bắn để lấy da, thịt. Tại một số vùng đồng quê, ngựa vằn còn cạnh tranh thức ăn với vật nuôi, gia súc nên đôi khi bị giết vì lý do này.

Trong đó, cá biệt loài ngựa vằn núi Cape đã bị săn bắn đến mức gần như tuyệt chủng, với chỉ ít hơn 100 cá thể tính đến thập niên 1930. Nhờ những nỗ lực bảo tồn, quần thể này đã tăng lên khoảng 700 cá thể, nhưng vẫn còn nguy cơ tuyệt chủng rất cao.