Ngoại hành tinh kỳ lạ có nhiệt độ lên đến 3.200 độ C
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bern đã thực hiện một nghiên cứu chi tiết về ngoại hành tinh kỳ lạ được gọi là WASP-189b với nhiệt độ lên đến lên đến 3.200 độ C.
Sử dụng kính viễn vọng không gian CHEOPS chuyên săn các ngoại hành tinh, các nhà nghiên cứu cho hay, ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao HD 133112, là một trong những ngôi sao nóng nhất được biết có hệ hành tinh.
Monika Lendl, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Hệ thống WASP-189 cách chúng ta 322 năm ánh sáng và nằm trong chòm sao Libra có hình chiếc cân.
WASP-189b đặc biệt thú vị vì nó là một sao khí khổng lồ quay quanh rất gần ngôi sao chủ. Mất chưa đầy 3 ngày để nó quay quanh ngôi sao của mình.
Theo các nhà nghiên cứu, WASP-189b có một mặt là ban ngày vĩnh viễn và một mặt là ban đêm vĩnh viễn.
Dựa trên các quan sát bằng CHEOPS, ước tính nhiệt độ của WASP-189b là 3.200 độ C. Các hành tinh như WASP-189b được gọi là Sao Mộc cực nóng. Sắt nóng chảy ở nhiệt độ cao như vậy và thậm chí trở thành thể khí.
Đây là một trong những ngoại hành tinh cực đoan nhất mà chúng ta biết cho đến nay. Vì hành tinh này ở rất xa nên các nhà khoa học không thể nhìn thấy nó trực tiếp. Thay vào đó, kính thiên văn CHEOPS sử dụng các phép đo độ sáng chính xác cao để phát hiện các hành tinh.
“Vì hành tinh WASP-189b rất gần với ngôi sao của nó, nên mặt ngày sáng đến mức chúng tôi thậm chí có thể đo được ánh sáng “mất tích” khi hành tinh đi qua phía sau ngôi sao của nó. Điều này là một bí ẩn. Chúng tôi đã quan sát thấy một số điều huyền bí như vậy của WASP-189b với CHEOPS.
Có vẻ như hành tinh này không phản chiếu nhiều ánh sáng sao. Thay vào đó, hầu hết ánh sáng của ngôi sao bị hành tinh hấp thụ”, Monika Lendl giải thích.