1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Ngoại hành tinh khổng lồ bí ẩn có thể thay đổi cách khám phá vũ trụ

Trang Phạm

(Dân trí) - Các nhà khoa học mới đây đã xác nhận sự tồn tại của một ngoại hành tinh "siêu phồng" khổng lồ. .

Sở dĩ gọi như vậy vì nó lớn bằng Sao Mộc nhưng lại nhẹ hơn 10 lần và được cho có thể thay đổi cách nhân loại khám phá vũ trụ

Ngoại hành tinh khổng lồ bí ẩn có thể thay đổi cách khám phá vũ trụ - 1

Ngoại hành tinh này có tên gọi WASP-107b, được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 2017, nhưng phải đến gần đây, các nhà thiên văn học mới có thể xác nhận mật độ thấp của nó, xếp nó vào loại "siêu phồng".

"Đối với WASP-107b, kịch bản hợp lý nhất là ngoại hành tinh này được hình thành ở xa ngôi sao chủ, nơi khí trong đĩa đủ lạnh để quá trình tích tụ khí có thể xảy ra rất nhanh. Hành tinh này sau đó đã có thể di chuyển đến vị trí hiện tại của nó, thông qua tương tác với đĩa hoặc với các hành tinh khác trong hệ thống", tác giả chính của nghiên cứu, Caroline Piaulet, cho biết.

WASP-107b quay quanh hệ sao WASP-107, cách Trái đất 211 năm ánh sáng. WASP-107b đặc biệt gần với ngôi sao chủ của nó, chỉ mất 5,7 ngày để quay quanh, gần hơn 16 lần so với Trái đất và Mặt trời. Nó cũng có mật độ thấp nên các nhà nghiên cứu tin rằng 85% khối lượng của nó nằm trong lớp khí xung quanh lõi. Khi kết hợp lại, những dữ kiện này để lại cho các nhà thiên văn học rất nhiều câu hỏi mới chưa được giải đáp.

Piaulet giải thích: "Chúng tôi đã có rất nhiều câu hỏi về WASP-107b. Làm sao một hành tinh có mật độ thấp như vậy lại hình thành được? Và làm thế nào nó giữ cho lớp khí khổng lồ của nó không thoát ra ngoài, đặc biệt là khi hành tinh này ở gần ngôi sao chủ? Điều này đã thúc đẩy chúng tôi phân tích kỹ lưỡng để xác định lịch sử hình thành của nó".

Ngược lại, như Sao Mộc lại có khối lượng lớn hơn đáng kể, có lõi được cho là chiếm từ 5% đến 15% tổng khối lượng và ở xa Mặt trời hơn đáng kể so với WASP-107b tính từ ngôi sao chủ của nó. Có thể WASP-107b đã từng ở một nơi rất khác trong hệ sao của nó, do nó đang bay hơi.

Trong quá trình quan sát WASP-107b, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra một hành tinh khác trong hệ thống, WASP-107c. Hành tinh này rất khác với WASP-107b, với quỹ đạo hình bầu dục và mất 1.088 ngày để đi quanh ngôi sao chủ.

WASP-107b được dự đoán sẽ cung cấp thông tin chi tiết mới về cách thức hình thành các khối khí khổng lồ và cung cấp những manh mối mới mà Sao Mộc và Sao Thổ không thể làm được.

"Các hành tinh ngoài như WASP-107b không có chất tương tự trong Hệ Mặt trời của chúng ta cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về cơ chế hình thành hành tinh nói chung và sự đa dạng của các ngoại hành tinh", Piaulet giải thích thêm.

Hơn 4.000 ngoại hành tinh đã được NASA phát hiện tổng cộng, khoảng 50 hành tinh trong số đó được cho là có khả năng sinh sống được tính đến tháng 9 năm 2018. Chúng có kích thước phù hợp và quỹ đạo phù hợp của ngôi sao chủ để hỗ trợ nước bề mặt và ít nhất là về mặt lý thuyết là có thể hỗ trợ cuộc sống.