1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Ngoài dịch bệnh, thế giới còn đang gồng mình chống thiên tai bùng phát

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhiều quốc gia trên thế giới đang hứng chịu thảm họa tự nhiên khắc nghiệt đến cùng lúc như một lời thách thức đối với nhân loại.

Nếu như miền Tây nước Mỹ đang hứng chịu nạn cháy rừng thì nhiều khu vực ở Tây Âu, Trung Quốc đang bị lũ lụt nhấn chìm, hơn 100 người đã thiệt mạng. Các khu vực nhiều rừng ở Canada, Mỹ và Nga... đang chìm trong biển lửa do nắng nóng khô hạn kéo dài.

Miền Tây Bắc Mỹ chìm trong "biển lửa"

Ngoài dịch bệnh, thế giới còn đang gồng mình chống thiên tai bùng phát - 1

Cháy rừng ở Oregon (Mỹ). Ảnh: AFP

Canada và miền Tây nước Mỹ đang trải qua những ngày nắng nóng nhất trong lịch sử.

Ước tính đã có gần 300 đám cháy bùng phát khắp tỉnh British Columbia hôm 20/7 của Canada.

Trong khi đó, hơn 3.000 km vuông đất đã bị thiêu rụi bởi 1.145 trận cháy rừng ở British Columbia trong mùa này cho đến nay, cao gấp 3 lần mức trung bình của 10 năm qua.

Ở bang Oregon (Mỹ) cũng đang chìm trong biển lửa đến từ các đám cháy rừng. Trong đó, đám cháy Bootleg ở phía Nam của bang Oregon đến nay có lẽ là trận cháy rừng lớn nhất năm 2021, khi đã thiêu rụi hơn 360.000 mẫu Anh rừng cây.

Siberia bị thiêu rụi

Ngoài dịch bệnh, thế giới còn đang gồng mình chống thiên tai bùng phát - 2

Cháy rừng đã thiêu rụi 1,5 triệu ha đất ở phía đông bắc của Siberia. Ảnh: Sullivan Photography

Ngay cả vùng Siberia "lạnh giá" cũng đang bị nhấn chìm trong lửa và khói. Theo đó, ước tính hơn 300 đám cháy rừng từ lớn đến nhỏ, đã thiêu rụi 1,5 triệu ha đất ở phía Đông Bắc của Siberia, Nga.

Khói mù ngạt thở đã bao trùm các thành phố và thị trấn của vùng Yakutia, và buộc sân bay phải đóng cửa.

Các chuyên gia cảnh báo nạn cháy rừng năm nay đang diễn biến nghiêm trọng hơn nhiều do thời tiết ấm lên bất thường từ đầu năm kết hợp với độ ẩm thấp.

Lũ lụt ở Trung Quốc

Ngoài dịch bệnh, thế giới còn đang gồng mình chống thiên tai bùng phát - 3

Nhiều ô tô chìm trong nước lũ sau khi mưa lớn đổ bộ vào thành phố Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Ảnh: AFP

Ngày 20/7, Cục khí tượng ở Trịnh Châu (Trung Quốc) lên tiếng cảnh báo những trận mưa như trút đã phá vỡ kỷ lục lịch sử 60 năm tại thành phố này.

Theo đó, lượng mưa mà Trịnh Châu có trong 3 ngày tương đương với tổng lượng mưa của thành phố trong cả năm 2020.

Có đến 100.000 người đã được sơ tán khỏi Trịnh Châu sau khi một trung tâm công nghiệp chìm trong nước và giao thông bị gián đoạn.

Trong khi đó ở tỉnh Hà Nam cũng xảy ra lũ lụt tồi tệ đến mức khiến một tàu điện ngầm bị ngập nước, khiến 12 người thiệt mạng.

Tây Âu nơi thì nắng nóng kỷ lục, nơi ngập lụt kinh hoàng

Ngoài dịch bệnh, thế giới còn đang gồng mình chống thiên tai bùng phát - 4

"Bãi chiến trường" sau trận lũ lụt ở các nước Tây Âu. Ảnh: AFP

Ngập lụt là điều hiếm khi xảy ra ở các quốc gia Tây Âu phát triển, nhưng Đức, Bỉ và Áo đang phải đối phó với hậu quả của trận lụt kinh hoàng làm sập nhà ở nhiều nơi.

Được biết, số người chết tính đến ngày 21/7 là hơn 200 người sau thảm họa được công nhận là khốc liệt hơn bất kỳ trận lụt nào xảy ra trong nhiều thập kỷ tại khu vực này.

Trái ngược lại, Vương quốc Anh và Ireland đang phải trải qua những đợt nắng nóng kéo dài và khắc nghiệt. Riêng tại Vương quốc Anh, Met Office đã ban hành cảnh báo nhiệt độ cực cao lần đầu tiên trong lịch sử nước này.

"Thảm họa chuột" hoành hành ở Australia

Ngoài dịch bệnh, thế giới còn đang gồng mình chống thiên tai bùng phát - 5

Australia đang trải qua một mùa vụ thất thu do chuột sinh sản quá nhanh. Ảnh: AP

Từ khoảng cuối tháng 5, hàng triệu con chuột không rõ từ đâu đã lũ lượt kéo tới như "sóng triều" tràn vào các thị trấn, ngôi làng ở Australia, tàn phá mọi thứ.

Giới chức bang New South Wales (NSW) ghi nhận ước tính mật độ khoảng 800-1.000 con chuột/ha. Tức là tính trung bình cứ 10 mét vuông tại bang này sẽ có một con chuột sinh sống, cư ngụ. Cơ quan Khoa học Quốc gia Australia (CSIRO) gọi đó là tỷ lệ "bệnh dịch".

Nhà nghiên cứu Steve Henry của CSIRO - chuyên gia giỏi nhất của Australia về chuột - cho biết: "Cố gắng đếm số lượng chuột gây ra ở miền đông Australia ngay bây giờ sẽ giống như cố gắng đếm sao trên trời".

Những con vật thuộc loài gặm nhấm đói ăn, đã tìm kiếm mọi nơi trú ẩn bên trong nhà của người dân khiến họ phải đặt bẫy và lắp lưới thép để ngăn chuột. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, mọi chiến lược diệt chuột của con người sẽ chỉ có thể làm giảm số lượng chuột ở mức độ nhất định.