Nghiên cứu phát triển giống cây diêm mạch tại Việt Nam
(Dân trí) - Cây diêm mạch có hàm lượng dinh dưỡng cao và đa dạng từ protein, chất sắt, chất xơ; có thể canh tác trong điều kiện nhiệt độ từ -5 đến 37 độ C, có khả năng chịu mặn và ở những vùng có lượng mưa thấp.
Loài cây này được đánh giá có khả năng chịu mặn tốt nhất trong các loại cây trồng và thực vật có hoa. Trước đây, diêm mạch chỉ được trồng ở các nước Nam Mỹ và gần đây là Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, giá nhập khẩu về Việt Nam lên tới 4.500 USD/tấn.
Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu hợp tác quốc tế của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy tính khả thi trong phát triển cây diêm mạch tại Việt Nam, đặc biệt là phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng hạn và nhiễm mặn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cây diêm mạch trồng trong điều kiện khô hạn, khó khăn về nước tưới cho năng suất 1,5-3,0 tấn/ha; trong điều kiện mặn, cây diêm mạch sinh trưởng và phát triển bình thường khi tưới nước có độ mặn bằng 50% nước biển (150mM NaCl); trong điều kiện canh tác tốt ở đồng bằng Sông Hồng diêm mạch cho năng suất 3-4 tấn/ha.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, phát triển thành công cây diêm mạch sẽ giúp đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng và ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân Việt nam và Thế giới. Dựa trên những đặc điểm của cây diêm mạch và sự hỗ trợ nguồn giống phù hợp với điều kiện nhiệt đới từ đối tác quốc tế, diêm mạch sẽ là giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng đất hạn tại miền núi phía Bắc và hạn/nhiễm mặn tại Nam Trung Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhằm phát triển loài cây này ở Việt Nam, năm 2017 trong Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương đa phương về khoa học công nghệ đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, đã giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, đánh giá đặc tính nông sinh học và tiềm năng kinh tế của cây diêm mạch đem lại cho các vùng sinh thái hạn, mặn tại Việt Nam. Từ đó, tuyển chọn và nhân được giống diêm mạch cho năng suất, chất lượng phù hợp với một số vùng sinh thái trong nước. Chủ nhiệm của nhiệm vụ này là PGS.TS Nguyễn Việt Long - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Vừa qua nhóm nghiên cứu đã chính thức khẳng định nghiên cứu thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
PGS.TS Nguyễn Việt Long cho hay, nhóm nghiên cứu đã đánh giá được tính đa dạng di truyền của nguồn gen trên 40 giống diêm mạch nhập nội; xác định đặc điểm sinh trưởng, sinh lý và năng suất của bộ giống (15 giống) diêm mạch ưu tú tại các điều kiện sản xuất và vùng sinh thái khái nhau tại Tây Bắc, Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên; Đặc biệt đã đánh giá sâu về tính trạng sinh lý và sự phát triển của rễ diêm mạch trong điều kiện hạn và mặn; từ đó xác định sự có mặt của gen chịu mặt trên các giống diêm mạch nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu cũng đã chọn lọc được 3 giống diêm mạch có năng suất đạt từ 2 tấn/ha trong các điều kiện mặn và khô hạn, có hàm lượng protein tổng số >15%; giống diêm mạch đã được công bố lưu lành; đồng thời xây dựng thành công mô hình và quy trình canh tác diêm mạch tại 3 địa phương là Sơn La, Sóc Trăng và Đắk Lắk, các mô hình sản xuất được công nhận cấp cơ sở. Quy trình sản xuất và giống diêm mạch đã được doanh nghiệp tại Đắk Lăk phối hợp triển khai sản xuất trên quy mô lớn.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết thêm, mô hình trình diễn các giống cây diêm mạch trong nhiệm vụ có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời có khả năng thích ứng với điều kiện địa phương, chống chịu tốt với những điều kiện canh tác khó khăn (hạn hoặc mặn) tại 3 tỉnh Sơn La, Đắk Lăk và Sóc Trăng cho năng suất thực thu từ 1,96 tấn/ha đến 2,33 tấn/ha. Tại Sơn La, hiệu quả kinh tế mang lại từ sản xuất diêm mạch gấp 5-7 lần so với trồng lúa và 4-6 lần so với trồng ngô. Tại Đắk Lăk, hiệu quả kinh tế mang lại từ sản xuất diêm mạch gấp 6-8 lần so với trồng lúa và cà phê. Tại Sóc Trăng, hiệu quả kinh tế mang lại tử sản xuất diêm mạch gấp 6-7 lần so với trồng lúa.
Việc so sánh hiệu quả kinh tế ở trên là dựa trên năng suất diêm mạch trồng trong điều kiện khó khăn với năng suất cây trồng phổ biến trong điều kiện thông thường. Chính vì vậy hiệu quả xã hội và môi trường, đảm bảo sinh kế cho người dân ở các vùng khó khăn và phát triển bền vững của diêm mạch là rất lớn.
Hiện nay tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp. Canh tác trong điều kiện khó khăn cũng làm giảm năng suất trên các nhóm cây trồng truyền thống. Chính vì vậy, việc mở rộng sản xuất, thương mại hóa các giống diêm mạch triển vọng đã được nghiên cứu tại nhiệm vụ góp phần giảm thiểu tác hại của biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế cho người nông dân, tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời góp phần đảm bao an ninh lương thực tại chỗ và an ninh lương thực quốc gia.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Việt Long tiết lộ thêm, hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục triển khai các nghiên cứu về chế biến bột diêm mạch giá trị dinh dưỡng cao và đồ uống (sữa diêm mạch) để sản phẩm cuối cùng sớm đến tay người tiêu dùng.
"Chúng tôi đã thương thảo với các doanh nghiệp tại Tây Nguyên và Sóc Trăng về hợp tác sản xuất thương phẩm các giống diêm mạch được tuyển chọn", PGS.TS Long nói.