1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nghiên cứu phát hiện đèn tia UV có thể tiêu diệt virus cúm trong không khí

(Dân trí) - Các thí nghiệm chứng minh ánh sáng cực tím xa UVC (Far-Ultraviolet C) cường độ thấp, có thể quét sạch virut cúm trong không khí mà không làm hại con người.

Nghiên cứu phát hiện đèn tia UV có thể tiêu diệt virus cúm trong không khí

Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia cho biết nên lắp đặt đèn UVC ở bệnh viện, văn phòng bác sĩ, trường học, sân bay và các địa điểm công cộng khác.

Hiện nay, ánh sáng cực tím được sử dụng để khử nhiễm thiết bị phẫu thuật, nhưng ánh sáng này không an toàn cho người tiếp xúc.

David J. Brenner, giáo sư sinh lý bức xạ và giám đốc Trung tâm nghiên cứu tia phóng xạ tại CUIMC, nói: "Thật không may, ánh sáng UV sát trùng thông thường... có thể dẫn đến ung thư da và đục thủy tinh thể, đây chính là điều ngăn chúng ta sử dụng nó trong không gian công cộng.”

Đèn UV truyền thống có nhiều bước sóng ánh sáng từ 200 đến 400 nano mét. Những bước sóng như vậy có thể thâm nhập vào da người và làm hỏng tế bào.

Brenner cho biết: "Ánh sáng tia cực tím xa (Far-UVC) có một phạm vi rất hạn chế và không thể xâm nhập qua lớp tế bào chết bên ngoài da người hoặc lớp nước mắt trong mắt, vì vậy nó không phải là mối nguy hiểm cho sức khỏe con người". "Nhưng vì vi rút và vi khuẩn nhỏ hơn tế bào người nhiều, ánh sáng cực tím có thể tiếp cận DNA của chúng và tiêu diệt chúng."

Trong các nghiên cứu trước đây, Brenner và các cộng sự cho thấy ánh sáng cực tím UVC có thể giết chết vi khuẩn MRSA mà không gây hại cho mô người và chuột. Vi khuẩn MRSA sống chủ yếu trên bề mặt và lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp.

Trong nghiên cứu mới, được xuất bản trong tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học muốn tìm hiểu xem ánh sáng UVC có thể chống lại bệnh cúm, bệnh lây lan qua các giọt nước nhỏ li ti trong không khí. Khi các bệnh nhân bị nhiễm ho hoặc hắt hơi, vi rút sẽ trở thành chất xịt hoặc chất huyền phù dạng keo trong không khí.

Trong các buồng xét nghiệm, các nhà khoa học phát hiện thấy ánh sáng UVC 222 nano mét cũng có hiệu quả giống như tia cực tím phổ biến ở việc giết chết và khử hoạt tính của vi-rút cúm.

"Nếu kết quả của chúng tôi được khẳng định ở các thiết lập khác thì việc sử dụng ánh sáng UVC ở mức thấp ở những nơi công cộng sẽ là phương pháp an toàn và hiệu quả để hạn chế sự lây lan của các bệnh do vi khuẩn gây ra qua không trung như cúm và bệnh lao", Brenner nói.

Quang Thiên (Theo UPI)