Nghiên cứu mới về bệnh dị ứng thực phẩm

(Dân trí) - Ước tính có khoảng 15 triệu người Mỹ bị dị ứng thực phẩm, và cứ 13 đứa trẻ dưới 18 tuổi thì có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này tại Hoa Kỳ (có khoảng hai trẻ trong mỗi lớp học). Những trẻ có cha mẹ, anh trai, hoặc chị em mắc bệnh dị ứng có thể sẽ làm tăng nhẹ nguy cơ bị dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy rằng một số bậc cha mẹ của những trẻ bị dị ứng thực phẩm lại tự cho là họ cũng bị dị ứng.

Bố mẹ của các trẻ bị dị ứng thực phẩm đã sai lầm khi nghĩ rằng họ cũng bị dị ứng giống con họ.
Bố mẹ của các trẻ bị dị ứng thực phẩm đã sai lầm khi nghĩ rằng họ cũng bị dị ứng giống con họ.

Dị ứng thực phẩm xảy ra do cơ thể có phản ứng miễn dịch với loại thực phẩm nào đó. Phản ứng miễn dịch của cơ thể có thể rất khốc liệt và có thể đe dọa đến tính mạng, chẳng hạn như sốc phản vệ.

Trong khi hệ thống miễn dịch thường bảo vệ cơ thể, nhưng ở những người bị dị ứng thực phẩm, hệ thống miễn dịch đã phản ứng sai với loại thực phẩm nào đó khi nó nghĩ rằng thực phẩm đấy gây hại cho cơ thể.

Ở Mỹ, có 8 nhóm thực phẩm gây ra đến 90% các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm sữa, trứng, cá, các loài hải sản vỏ cứng, lúa mì, đậu nành, lạc và các hạt cây.

Các bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm chích da hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ nhạy cảm với các loại thực phẩm đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm này không phải lúc nào cũng cho kết quả chính xác trừ khi bệnh nhân đã từng có phản ứng dị ứng với thực phẩm trước đó.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Annals of Allergy, Asthma and Immunology đã tập chung chính vào các dữ liệu nghiên cứu dị ứng thực phẩm trong những gia đình ở Chicago, Illinois, để điều tra các mẫu thực phẩm và chất gây dị ứng trong không khí ở các ông bố bà mẹ của trẻ bị dị ứng thực phẩm.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy rằng chỉ có 28% các ông bố, bà mẹ của trẻ bị dị ứng thực phẩm gửi thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với các loại thực phẩm.

Tiến sĩ về dị ứng Melanie Makhija, thành viên ACAAI, đồng tác giả đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Trong số 2.477 ông bố và bà mẹ, chỉ có 28% cha mẹ thông báo có kết quả bị dị ứng thực phẩm. Như vậy, kết quả xét nghiệm dị ứng thực phẩm, bao gồm xét nghiệm máu và xét nghiệm chích da (thử nghiệm nội bì), không phải lúc nào cũng đáng tin cậy bởi vì có rất nhiều trường hợp dương tính giả”.

Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn các bậc cha mẹ những gia đình địa phương từ các phòng khám bệnh viện và cộng đồng có một con bị dị ứng thực phẩm trong độ tuổi 0-21 tuổi có đủ điều kiện để đưa vào nghiên cứu.

Đứa trẻ bị xem là có dị ứng thực phẩm nếu chúng có kết quả xét nghiệm chích da dương tính cùng với các triệu chứng điển hình của phản ứng dị ứng với thực phẩm trong vòng 2 giờ sau khi ăn. Các triệu chứng bao gồm phát ban, khó thở, thở khò khè, tức ngực, cổ họng đau thắt, khó nuốt, ngất xỉu và nôn mửa.

Lạc, sữa, trứng là những chất gây dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em

Trong tổng số người tham gia trả lời các câu hỏi, có 13,7% bậc cha mẹ báo có bị dị ứng thực phẩm. Có 3,6% bậc cha mẹ báo cáo dị ứng với các loài hải sản có vỏ, 2,1 % dị ứng với sữa, 2,1% dị ứng với lạc, 2,1% dị ứng hạt cây, 1,4% dị ứng với cá, 1,1% dị ứng với trứng, 1,0% dị ứng với đậu nành, 0,9% dị ứng lúa mì, và 0,3% dị ứng với hạt vừng.

Có 14,5% trong tổng số các bà mẹ, và 12,7% các ông bố báo cáo bị dị ứng thức ăn. Chất gây dị ứng phổ biến nhất cho những đứa trẻ này đó là lạc (chiếm 37,3%), sau đó lần lượt là sữa (29%) và trứng (22,1%).

“Các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào những người trưởng thành nói chung”, Tiến sĩ Rachel Robison, chuyên gia về dị ứng, đồng tác giả chính, cho biết. "Trong khi chúng tôi phát hiện thấy các kết quả xét nghiệm dương tính là phổ biến hơn ở các bậc cha mẹ của những đứa trẻ bị dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên mức dị ứng thực tế ở trong máu đối với thực phẩm là khá thấp. Mức độ dương tính thấp trong xét nghiệm di ứng có nhiều khả năng là dương tính giả. Điều này cho thấy tầm quan trọng của phương pháp xét nghiệm chính xác đối với bất kỳ xét nghiệm dị ứng, đặc biệt là xét nghiệm dị ứng thực phẩm”. “Điều thú vị là chúng tôi cũng thấy rằng những cha mẹ báo cáo không bị dị ứng thức ăn thì có đến 14% có xét nghiệm dị ứng là dương tính với đậu phộng và hạt vừng”.

Tiến sĩ Rachel Robison nhấn mạnh. “Trong khi các phương pháp xét nghiệm dưới da có thể giúp phát hiện tình trạng quá mẫn cảm, tuy nhiên bị quá mẫn cảm với chất gây dị ứng không có nghĩa là bạn bị dị ứng. Chỉ tiến hành xét nghiệm máu để biết dị ứng hay không sẽ không chính xác bằng các phép thử với thức ăn-đây được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán dị ứng” .

P.T.T-NASATI (Theo Medical News Today)