Nghiên cứu mới tiết lộ về cách làm liền vết thương mà không để lại sẹo

(Dân trí) - Cho dù là các vết sẹo để lại do phẫu thuật, vụng về khi cạo râu, hay bị thương khi đi xe đạp từ lúc mới chỉ 5 tuổi, thì tất cả những ai có sẹo đều mong muốn chúng sẽ biết mất.

Nghiên cứu mới tiết lộ về cách làm liền vết thương mà không để lại sẹo - 1

Các nhà khoa học đã phát hiện một phương pháp tiềm năng mới để chữa lành các vết thương mà không để lại sẹo như trước đây.

Mặc dù phương pháp này sẽ không có hiệu quả với các vết sẹo đã có sẵn, các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã tìm ra cách để làm cho các vết thương mới lành lặn như bình thường, da được tái sinh thay cho các mô sẹo thông thường.

Phương pháp này là bao gồm việc chuyển đổi các loại tế bào phổ biến trong vết thương thành các tế bào chất béo – một kỳ công mà trước đây luôn được cho rằng sẽ không thể thực hiện ở động vật có vú.

Theo Tiến sĩ George Cotsarelis, trưởng khoa Da liễu của Đại học Pennysylvania (Mỹ) cho biết, về cơ bản họ đã có thể “thao tác chữa lành và dẫn đến tái tạo da chứ không để lại sẹo”.

Các nhà nghiên cứu cho biết, các tế bào chất béo hay còn gọi là tế bào tạo mỡ - adipocyte – thường được tìm thấy trong da, tuy nhiên chúng lại biến mất khi vết thương lành hay khi có sẹo.

Mô sẹo gần như hoàn toàn tạo thành từ các tế bào có tên là myofibroblast – nguyên bào sợi cơ – và hoàn toàn không có một tẹo tế bào chất béo nào. Kết quả là khi vết thương lành hoàn toàn thì sẽ còn lại các mô sẹo tồn tại vĩnh viễn với hình dạng bất thường và khác biệt với phần da còn lại.

Mô sẹo cũng không liên kết với bất kỳ nang lông nào – một yếu tố khác cũng làm nó trông khác biệt với chỗ da khác.

Hình ảnh về vết sẹo không có nang lông (bên trái) và có nang lông (bên phải)
Hình ảnh về vết sẹo không có nang lông (bên trái) và có nang lông (bên phải)

Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các nguyên bào sợi cơ đang tồn tại có thể thực sự chuyển đổi thành các tế bào tạo mỡ - có nghĩa là khi một vết thương đang lành, mô sẹo có thể biến thành da tái sinh.

Nghiên cứu cho thấy, một khi chất béo được chuyển đổi, các tế bào mới “không thể phân biệt với các tế bào mỡ đã tồn tại sẵn từ trước, và thay vì để lại sẹo thì sẽ làm cho vết thường liền lại một cách tự nhiên”.

Tiến sĩ Cotsarelis cho biết “bí quyết ở đây là trước hết cần phải tái tạo các nang lông. Sau đó, các chất béo sẽ được tái tạo để phản ứng với tín hiệu từ các nang lông đó”.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, ngay khi bắt đầu hình thành, các nang lông này đã phát ra một loại protein tín hiệu gọi là protein tạo dạng xương - Bone Morphogenetic Protein (BMP). Và các tín hiệu này thực sự chuyển đổi các nguyên bào sợi cơ thành tế bào tạo mỡ. Nếu nang lông được tạo ra ở các vết thương đang lành, thì kết quả là da mới sẽ không khác gì so với da có sẵn từ trước.

Cách mạng trong điều trị chống lão hóa

Tiến sĩ Cotsarelis cho rằng, phát hiện này có khả năng sẽ là cuộc cách mạng trong lĩnh vực da liễu. Tuy nhiên, sự gia tăng của các tế bào mỡ trong mô còn có thể mang lại nhiều điều hữu ích hơn so với làm liền vết thương.

Các tế bào tạo mỡ cũng thường tự nhiên bị mất đi do quá trình lão hóa, đặc biệt là ở trên mặt, dẫn đến các nếp nhăn sâu và tồn tại vĩnh viễn mà một số phương pháp chống lão hóa cũng không thể chỉnh sửa thỏa đáng về mặt thẩm mỹ.

Ông Cotsarelis cho biết “phát hiện này có khả năng sẽ làm chúng ta hướng đến một chiến lược mới để tái sinh các tế bào tạo mỡ ở các làn da bị nhăn nheo, và điều này có thể dẫn đến một phương pháp điều trị chống lão hóa mới”.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết tế bào tạo mỡ tái sinh cũng có thể được ứng dụng trong điều trị HIV.

Tuy nhiên, cho đến nay, các thí nghiệm vẫn còn đang là bằng chứng cho giai đoạn ý tưởng. Điều này đã được chứng minh là có hiệu quả ở chuột và các mẫu da người – tuy nhiên thử thách tiếp theo sẽ là đạt được những kết quả tương tự ở người sống.

Anh Thư (Tổng hợp)