1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nghiên cứu cho thấy các enzyme cần thiết để sửa chữa ADN

(Dân trí) - Các nhà khoa học tại ANU (Đại học quốc gia Úc - Australian National University) và Đại học Heidelberg ở Đức đã tìm thấy một thành phần thiết yếu trong quá trình sửa chữa ADN có thể mở đường cho sự phát triển các loại thuốc ung thư mới.

Nghiên cứu cho thấy các enzyme cần thiết để sửa chữa ADN - 1

Trưởng nhóm nghiên cứu PGS Tamás Fischer từ ANU cho biết nghiên cứu tìm thấy các cấu trúc lai gồm ADN và ARN đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục các thông tin di truyền sau khi ADN bị hư hỏng. ARN là bản sao ngắn của thông tin di truyền được lưu trữ trong ADN.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng enzyme RNase H có đích là các cấu trúc lai này cũng rất cần thiết cho việc sửa chữa một cách chính xác và hiệu quả ADN bị hư hỏng.

"Phát hiện này mở ra khả năng phát triển các loại thuốc mới có thể tiêu diệt các enzyme này, điều chỉnh hoạt động của chúng và ngăn chặn hoặc tăng cường hiệu quả của quá trình sửa chữa ADN quan trọng này", tiến sĩ Fischer nói.

Tiến sĩ cho biết sự tích lũy các đột biến trong bộ gen của người là động lực chính đằng sau các bệnh liên quan đến sự lão hóa và phát triển ung thư.

"Càng hiểu rõ các quá trình sửa chữa này, chúng ta càng có tiềm năng điều chỉnh chúng và có thể phát triển một số phương pháp phòng ngừa để giảm tỷ lệ tích lũy các đột biến khác nhau", Tiến sĩ nói.

"Enzyme RNase H đã được nghiên cứu và sử dụng trong sinh học phân tử trong nhiều năm, nhưng cho đến nay chức năng sinh học của chúng chưa được biết rõ đầy đủ.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các enzyme này cần thiết để sửa chữa ADN và đây có lẽ là một trong những chức năng quan trọng nhất của chúng và là lý do chúng có mặt trong mọi tế bào sống."

Tiến sĩ Fischer cho biết một trong những phát hiện đáng ngạc nhiên nhất là các cấu trúc lai ARN - ADN, mà trước đây được cho là chỉ có ảnh hưởng tiêu cực đến tính toàn vẹn của hệ gen của người, thực sự cũng tham gia vào việc bảo vệ ADN.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Cell.

Linh Trang (Theo Phys)