1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nghịch dại vuốt ve cá sấu, người đàn ông nhận ngay cái kết "đắng"

Minh Khôi

(Dân trí) - Đoạn clip ghi lại hình ảnh đùa giỡn, vuốt ve cá sấu bằng tay không đã khiến nhiều cư dân mạng phải "sốc" khi chứng kiến cái kết.

Nghịch dại vuốt ve cá sấu, người đàn ông nhận ngay cái kết "đắng"

Mặc dù có vẻ ngoài trông khá chậm chạp, ù lì, nhưng cá sấu là một trong những động vật săn mồi nguy hiểm hàng đầu trong tự nhiên. Đoạn clip dưới đây là minh chứng cho thấy tốc độ phản xạ đáng kinh ngạc và cú đớp đầy chết chóc của một con cá sấu, dù nó chưa trưởng thành.

Đoạn clip được chia sẻ lên mạng xã hội, cho thấy một người đàn ông giấu mặt liên tục đùa giỡn, dùng bàn tay để vuốt ve lên lưng một con cá sấu mõm dài (hay còn gọi là cá sấu Ấn Độ, cá sấu sông Hằng).

Sau vài giây hoàn toàn bất động, con cá sấu thình lình nâng cao cái đầu của nó, rồi quay ngoắt về phía sau, dùng cái miệng đầy răng lởm chởm đớp lấy bàn tay của người đàn ông đang quay clip, khiến người này giật mình, lui lại phía sau.

Nghịch dại vuốt ve cá sấu, người đàn ông nhận ngay cái kết đắng - 1

Con cá sấu mõm dài đớp thẳng vào bàn tay người đàn ông chỉ trong tích tắc.

Được biết, cú đớp của cá sấu mõm dài thường kém uy lực hơn so với đa số cá sấu thông thường. Ngoài ra, chúng cũng chưa từng được ghi nhận là đã giết hại và ăn thịt người. Có lẽ, đây là lý do khiến một số người tỏ ra bất cẩn khi đối diện với loài cá sấu này. Trên thực tế, cái mõm dài của loài cá sấu này vẫn có thể để lại những vết thương nghiêm trọng.

Minh chứng là hình ảnh ở cuối đoạn clip, cho thấy cú đớp của cá sấu đã khiến tay người đàn ông rỉ máu, và đây có lẽ sẽ là "bài học nhớ đời" cho anh chàng, hay bất kỳ ai có ý định đùa giỡn tương tự với một con cá sấu.

Cá sấu sông Hằng (Gavialis gangeticus), là 1 trong 3 loài cá sấu bản địa lục địa Ấn Độ cùng với cá sấu đầm lầy và cá sấu cửa sông, và là 1 trong 2 loài còn sinh tồn trong Họ Cá sấu mõm dài.

Đặc điểm nhận dạng của chúng là chiếc mõm dài và mảnh, còn được gọi là "ghara", trong tiếng Hindi có nghĩa là "cái ly". Chúng sử dụng chiếc mõm điệu nghệ này để phát ra âm thanh và thổi những bong bóng nước trong suốt mùa giao phối tới khi thu hút bạn tình.

Do quai hàm của chúng thiếu sức mạnh cần thiết để bắt giữ các loài thú lớn trên cạn, nên cá sấu mõm dài chỉ chủ yếu bắt cá nhỏ hơn, nhờ vào phát hiện các rung động dưới nước.

Nghịch dại vuốt ve cá sấu, người đàn ông nhận ngay cái kết đắng - 2

Cá sấu mõm dài có nhiều đặc điểm liên hệ với loài cá sấu thời cổ đại (Ảnh: National Geographic)

Chúng săn mồi bằng cách nhanh chóng quay đầu để chộp lấy những con mồi nhỏ như cá hoặc tôm, cua... với bộ hàm gồm hơn 100 chiếc răng sắc nhọn. Như đã đề cập, mặc dù mang tiếng là sát thủ vùng nước ngọt nhưng cá sấu sông Hằng lại rất hiếm khi tấn công con người.

Đây là loài được xếp vào hạng mục "cực kỳ nguy cấp", theo IUCN. Sự suy giảm mạnh của cá sấu Ấn Độ có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm việc săn bắn quá nhiều, thu gom trứng để tiêu thụ, làm thuốc trong y học cổ truyền hay bị vướng vào lưới của ngư dân.

Tính đến nay, chỉ có ít hơn 250 cá thể cá sấu sông Hằng trưởng thành được ghi nhận là đang sinh sống trong tự nhiên. Phần lớn số còn lại đang được chuyển vào các khu bảo tồn, nhưng nỗ lực duy trì loài cá sấu này vẫn gặp nhiều khó khăn.