1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nghi vấn giải Nobel Y Sinh 2023 bỏ quên nhà khoa học tạo ra vaccine mRNA

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Là "mảnh ghép" quan trọng trong nghiên cứu công nghệ vaccine mRNA, GS. Pieter R. Cullis bất ngờ bị Hội đồng giải Nobel bỏ quên khi công bố giải thưởng Nobel Y sinh 2023.

Nghi vấn giải Nobel Y Sinh 2023 bỏ quên nhà khoa học tạo ra vaccine mRNA - 1

GS. Katalin Kariko, GS. Drew Weissman và GS. Pieter R. Cullis được biết đến là 3 trong số các nhà khoa học có đóng góp lớn nhất trong việc phát triển công nghệ vaccine mRA (Ảnh: Panorama).

Cuối tuần qua, Hội đồng Nobel đã vinh danh hai nhà khoa học đạt giải năm 2023 ở hạng mục Y Sinh là GS. Katalin Kariko và GS. Drew Weissman.

Tuy nhiên theo tờ Business in Vancouver, đối với nhiều người trong cộng đồng khoa học, điều ngạc nhiên không phải là bà Kariko và ông Weissman giành được giải thưởng lớn, mà là cộng sự của họ, ông Pieter Cullis, không được xướng tên trong giải thưởng danh giá này.

GS. Pieter R. Cullis là ai?

GS. Pieter R. Cullis hiện là Giám đốc Viện Khoa học Đời sống tại Đại học British Columbia (UBC). Ông là Giáo sư tại Khoa Hóa sinh và Sinh học Phân tử và Giám đốc Nhóm Nghiên cứu NanoMedicines, UBC.

Năm 2018, GS. Cullis và các đồng nghiệp đã đạt được những tiến bộ cơ bản trong việc khởi tạo, tải và định hướng mục tiêu cho các hệ thống hạt nano lipid (LNP) để phân phối vào tĩnh mạch các loại thuốc phân tử nhỏ và thuốc đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA).

Công nghệ LNP của GS. Cullis đã chuyển đổi lĩnh vực nghiên cứu này từ học thuật sang công nghệ sinh học, nơi ông đóng vai trò chính trong việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thuốc phi lợi nhuận (nay là Admare BioInnovations) và các tổ chức phi lợi nhuận khác như Mạng lưới đổi mới NanoMedicines.

Nghi vấn giải Nobel Y Sinh 2023 bỏ quên nhà khoa học tạo ra vaccine mRNA - 2

Pieter R. Cullis tại một cơ sở nghiên cứu của Đại học British Columbia (Ảnh: BIV).

Một trong những ứng dụng quan trọng của hệ thống phân phối LNP là giúp đưa thành phần hoạt chất vaccine nRNA Covid-19 vào tế bào cơ thể người.

Tính đến nay, GS. Cullis đã đồng sáng lập 11 công ty công nghệ sinh học, đã xuất bản hơn 300 bài báo khoa học và sở hữu hơn 60 bằng sáng chế. Ông cũng là người đồng sáng lập chương trình Sáng kiến Y khoa Cá nhân hóa của tỉnh bang British Columbia (Canada) vào năm 2012.

Gs. Cullis cũng đã được trao nhiều giải thưởng và được bầu làm Ủy viên của Hiệp hội Hoàng gia Canada vào năm 2004 và được trao giải thưởng Prix Galien, giải thưởng hàng đầu của Canada cho những thành tựu trong nghiên cứu và phát triển dược phẩm, vào năm 2011. Ông đã nghiên cứu sự phát triển của Patisiran, một loại thuốc sử dụng RNA can thiệp nhỏ được phân phối qua các hạt nano lipid và đã được FDA chấp thuận vào năm 2018.

Nhờ sự thành công của 11 công ty mà GS. Cullis đồng sáng lập, cũng như khám phá về công nghệ LNP của ông, đã tạo ra gần 400 việc làm và hơn 10.000 năm công tại tỉnh bang British Columbia. Kết quả của những nỗ lực ban đầu của GS. Cullis là một ngành công nghiệp trị liệu gen đang phát triển mạnh mẽ đã được hình thành bằng cách sử dụng công nghệ LNP, bao gồm các công ty như Moderna, CureVac, BioNTech và Intellia.

Giải Nobel Y Sinh 2023 bỏ quên "mảnh ghép" quan trọng?

Nghi vấn giải Nobel Y Sinh 2023 bỏ quên nhà khoa học tạo ra vaccine mRNA - 3

GS. Pieter R. Cullis và hai cộng sự là Katalin Kariko và Drew Weissman giành giải Chính VinFuture 2021 trị giá 3 triệu USD (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Trước khi được nhắc tới trong Giải Nobel Y Sinh 2023, GS. Pieter R. Cullis từng giành được nhiều giải thưởng quốc tế cùng với hai cộng sự là Katalin Kariko và Drew Weissman.

Bộ ba nhà khoa học đã cùng tạo ra phát minh mang tính đột phá đối với nhân loại. Đó là công nghệ nền tảng mà Pfizer và BioNTech sử dụng trong sản xuất vaccnine ngừa Covid-19, mang tới sự sống cho hàng tỷ người.

Lĩnh vực chính của GS. Kariko và GS. Weissman là thiết kế RNA thông tin (mRNA) để trở thành thành phần hoạt chất trong vaccine. Trong khi vai trò của GS. Pieter R. Cullis là tạo ra hệ thống phân phối LNP đột phá, giúp đưa thành phần hoạt chất này vào tế bào cơ thể người.

Có thể nếu rằng nếu thiếu bất kỳ 1 trong 3 "mảnh ghép" này, công nghệ vaccine mRA có thể đã không hoàn thiện như ngày nay, cũng như mở ra một chương mới của y học, khi có thể được ứng dụng trong điều trị các bệnh như cúm, HIV-1, bệnh dại và virus Zika, ung thư, bao gồm ung thư máu, u ác tính, ung thư não, ung thư tuyến tiền liệt.

"Tôi nghĩ Hội đồng Nobel cho rằng hệ thống phân phối LNP đã có từ lâu. Tuy nhiên, thực tế là hệ thống LNP này là một phát minh mới, đóng vai trò rất quan trọng và là hệ thống duy nhất có thể đưa mRNA vào tế bào cơ thể người," Mick Hope, một trong những cộng sự lâu năm của GS. Culiis cho biết.

Lý giải cho sự "bỏ quên" này, một số nhà khoa học cho rằng do quy trình trao giải Nobel quy định các ứng viên phải được đề cử bởi những người đủ điều kiện. Rất có thể người đề cử GS. Kariko và GS. Weissman chưa đánh giá đầy đủ sự đóng góp thiết yếu của GS. Cullis đối với công nghệ vaccine mRNA.

Nghi vấn giải Nobel Y Sinh 2023 bỏ quên nhà khoa học tạo ra vaccine mRNA - 4

GS. Pieter R. Cullis có nhiều đóng góp và là "mảnh ghép" quan trọng trong công nghệ vaccine mRNA (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Trước đây, bộ ba nhà khoa học từng đứng trên bục vinh danh của các giải thưởng lớn như giải thưởng Hoàng tử Mahidol của Thái Lan về y học trị giá 100.000 USD; Giải thưởng trị giá 100.000 USD của Quỹ Gairdner của Canada và Giải thưởng Tang của Đài Loan (Trung Quốc) trị giá 1,7 triệu USD và khoản tài trợ 350.000 USD cho việc nghiên cứu trong tương lai.

Đặc biệt, Giải thưởng VinFuture trị giá 3 triệu USD trong mùa đầu tiên (năm 2001) cũng đã vinh danh GS. Cullis cùng hai đồng sự của mình vì những đóng góp to lớn cho nhân loại trong cuộc chiến chống Covid-19.

Một số doanh nhân và nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực khoa học sự sống ở British Columbia tin rằng GS. Cullis rồi sẽ được trao giải thưởng Nobel vì ông thực sự xứng đáng. Ali Tehrani, người sáng lập Zymeworks - một trong những công ty công nghệ sinh học lớn nhất ở Vancouver, cho biết: "Vấn đề không phải là liệu ông Cullis có được nhận giải Nobel hay không mà là khi nào".

Hiện GS. Cullis vẫn chưa có chia sẻ chính thức với báo chí, theo Business in Vancouver.

Ngày 20/1/2021 tại Hà Nội, ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter R. Cullis đã được trao giải thưởng lớn nhất của VinFuture trị giá 3 triệu USD với công trình nghiên cứu mang tính đột phá đối với nhân loại - công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả.

Việc VinFuture vinh danh 3 nhà khoa học góp công lớn trước Nobel 2 năm đã thể hiện tầm vóc và tầm nhìn của Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Điều đặc biệt là Hội đồng giám khảo tại VinFuture đã không bỏ quên những đóng góp thầm lặng của GS. Pieter R. Cullis.

Trong một chia sẻ vào cuối tháng 6/2023, bà Kariko - chủ nhân giải VinFuture và Nobel Y Sinh 2023, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những giải thưởng khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những giải thưởng có uy tín. Điều này góp phần thu hút sự chú ý không chỉ ở trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Nhà nữ khoa học khẳng định rằng, từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế. "Những giải thưởng quốc tế như VinFuture không chỉ là nguồn cảm hứng cho những nhà khoa học nội địa mà còn tạo nên sức hút, sự quan tâm từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển mạnh, từ đó mở ra cơ hội cho sự hợp tác và chia sẻ kiến thức, đẩy mạnh tiến trình phát triển khoa học công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển".

Theo biv.com