1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Ngay cả các sinh vật biển sâu cũng đang nuốt nhựa mà chúng ta thải ra

(Dân trí) - Rất đáng buồn là ngay cả các sinh vật sống ở độ sâu hàng ngàn mét dưới biển cũng đang ăn các mảnh nhựa độc hại.


Con sao sống ở biển sâu này đã ăn các mẩu nhựa nhỏ.

Con sao sống ở biển sâu này đã ăn các mẩu nhựa nhỏ.

Các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học Hải dương Scotland (SAMS) ở Oban, Scotland đã kiểm tra các con sao biển và ốc biển lấy từ biển sâu ở Rockall Trough.

Họ đã tìm thấy các mảnh nhựa nhỏ trong 48% số động vật mà họ lấy mẫu. Tất cả chúng đều sống ở độ sâu hơn 2000m ở một trong những nơi ít được con người khám phá nhất trên Trái Đất. Vậy mà ô nhiễm nhựa do chúng ta gây ra vẫn tìm đến được với chúng.


Dấu vết nhựa tìm thấy ở một trong những con vật lấy mẫu.

Dấu vết nhựa tìm thấy ở một trong những con vật lấy mẫu.

Một loạt các loại chất dẻo khác nhau đã được tìm thấy, trong đó có cả polyethylene – loại nhựa dùng để làm túi mua sắm.

Polyester là loại nhựa phổ biến nhất mà nhóm nghiên cứu tìm được, chủ yếu ở dạng các sợi nhỏ.

Mặc dù không thể theo dấu polyester này để tìm đến nguồn cụ thể, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng có thể xâm nhập vào đại dương thông qua nước thải từ máy giặt của người dân. Các nhà nghiên cứu của SAMS cho biết, dường như đây là làn đầu tiên định lượng được các hạt vi nhựa mà các động vật không xương sống ở biển ăn phải.

Họ đã công bố về nghiên cứu này trên tạp chí Ô nhiễm Môi trường.

Nhà khoa học Winnie Courtene Jones – tác giả chính của nghiên cứu này - cho biết: “Các hạt vi nhựa này đang lan rộng trong môi trường tự nhiên và làm xuất hiện rất nhiều mối đe dọa sinh thái, chẳng hạn như làm giảm khả năng sinh sản thành công, chặn đường tiêu hóa và đưa ô nhiễm hữu cơ đến với các sinh vật ăn chúng.

“Có hơn 660 loài sinh vật biển trên toàn thế giới được ghi nhận là bị ảnh hưởng bởi các loại chất dẻo”.

Bà cũng cho biết rằng hiện có rất ít nghiên cứu về ảnh hưởng của ô nhiễm nhựa đối với biển sâu.

Anh Thư (Theo Metro)