Nền văn minh nhân loại đang đứng trước bờ vực sụp đổ không thể đảo ngược?

Trang Phạm

(Dân trí) - Nhân loại có ít hơn 10% cơ hội để tránh sự sụp đổ của nền văn minh. Cũng theo nghiên cứu mới, việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên tràn lan đang đẩy loài người tới một thảm họa.

Nền văn minh nhân loại đang đứng trước bờ vực sụp đổ không thể đảo ngược? - 1

Nghiên cứu được thực hiện bởi Giáo sư Mauro Bologna thuộc Khoa Kỹ thuật Điện tử tại Đại học Tarapacá ở Chile và Tiến sĩ Gerardo Aquino, nhà nghiên cứu tại Viện Alan Turing ở London, đã mô hình hoá tỷ lệ phá rừng và gia tăng dân số hiện nay.

Các tác giả của báo cáo đã tạo ra một mô hình, ước tính rằng với tốc độ phá rừng hiện nay sẽ dẫn đến Trái đất không còn rừng trong khoảng 100-200 năm nữa.

"Rất khó có thể tưởng tượng sự sống sót của nhiều loài, bao gồm cả chúng ta, trên Trái đất không có rừng. Sự suy thoái của môi trường do nạn phá rừng sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội loài người và do đó, sự sụp đổ của con người sẽ bắt đầu sớm hơn nhiều", các nhà nghiên cứu cho biết.

Có khoảng 60 triệu km2 rừng trên trái đất trước sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Hiện tại chỉ còn khoảng 40 triệu km2 rừng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, với sự gia tăng dân số và tốc độ nhân loại đang tiêu thụ các tài nguyên thiên nhiên, chúng ta sẽ không còn nhiều thời gian. Chỉ có 2 đến 4 thập kỷ còn lại trước khi khởi đầu cho một sự sụp đổ không thể đảo ngược của nền văn minh của chúng ta. Chúng ta chỉ có ít hơn 10% khả năng nền văn minh tồn tại được.

"Kết luận mô hình của chúng tôi cho thấy sự sụp đổ thảm khốc trong dân số của con người do tiêu thụ tài nguyên là kịch bản rất có thể của sự tiến hóa dựa trên các thông số hiện tại. Chúng tôi kết luận từ quan điểm thống kê rằng xác suất nền văn minh tồn tại. Các tính toán cho thấy, duy trì tốc độ tăng trưởng dân số và tiêu thụ tài nguyên, đặc biệt là tiêu thụ rừng, chúng ta còn vài thập kỷ nữa trước khi nền văn minh sụp đổ", các tác giả lo lắng.

Mô hình do Tiến sĩ Aquino và Giáo sư Bologna tạo ra đã tính đến các điều kiện hiện tại và ngoại suy chúng trong tương lai. Tình hình phá rừng dường như đã bắt đầu cải thiện trong vài năm qua, mặc dù những con số không có nghĩa là chúng ta đã giải quyết được con đường dẫn đến thảm họa sinh thái.

Trong khi đó, theo báo cáo được công bố bởi Tổ chức Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) với Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, tỷ lệ phá rừng đã giảm trong nhiều thập kỷ qua từ 7,8 triệu ha mỗi năm xuống còn 4,7 triệu ha. Ngoài ra, các khu rừng mới đã được tạo ra theo cách tự nhiên và nhân tạo. Nhưng xét trong điều kiện toàn cầu, diện tích rừng đã giảm. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết 178 triệu ha của các khu rừng đã bị chặt từ năm 1990 đến 2020.

Các tác giả của nghiên cứu mới cũng xem xét liệu sự phát triển công nghệ của chúng ta có cho phép chúng ta ngăn chặn sự sụp đổ môi trường hoặc xây dựng lại nền văn minh trong một "không gian ngoài hành tinh" hay không. Câu trả lời có lẽ sẽ khiến nhiều người thất vọng đó là… rất mong manh.