NASA giải thích hiện tượng đá trượt bí ẩn ở Thung lũng Chết
(Dân trí) - Những hòn đá bí ẩn đã làm khó các nhà khoa học trong nhiều năm bởi chúng dường như tự chuyển động mà không thể giải thích được vì sao.
Trong nhiều năm, các nhà địa chất học không hiểu vì sao các hòn đá trượt di chuyển qua sa mạc, để lại vệt dài phía sau dù không có bất kỳ tác động nào của con người hoặc động vật. Hiện tượng này xảy ra ở hồ cạn có tế Racetrack Playa ở Thung lũng Chết của bang California, Mỹ.
Khi tìm hiểu về các khối đá cùng vệt dài chúng để lại, các nhà khoa học nghi ngờ băng đá, gió và thậm chí cả các vi khuẩn là nguyên nhân khiến các khối đá nặng này di chuyển.
Bức ảnh này do nhiếp ảnh gia Keith Burke chụp vào tháng 4/2019. Trong ảnh là lòng hồ cạn Racetrack Playa gần như bằng phẳng một cách hoàn hảo, với một số khối đá lớn ở trên, dưới một bầu trời đầy sao của dải Ngân Hà.
NASA đã chọn bức ảnh này làm bức ảnh thiên văn trong ngày kèm theo những thông tin về lý giải khoa học cho hiện tượng đá trượt.
Trước đây, một giả thuyết khoa học cho rằng vì sau những cơn mưa, bụi đất khô lại và bay từ chỗ này sang chỗ khác đã tạo nên độ phẳng, nhẵn của lòng hồ. Nhưng hóa ra nguyên nhân hoàn toàn khác và chẳng có gì phức tạp. Như vẫn thường xảy ra trong khoa học, một vấn đề tưởng như siêu thực đã được giải đáp một cách dễ hiểu.
Vào mùa đông, các thềm băng mỏng hình thành, và gió đẩy những phần băng đầy những tảng đá nặng nề ngang qua lòng hồ trơn trượt khi ánh nắng mặt trời làm tan băng.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu cho rằng đã tìm thấy một dấu vết của đá trượt trên một hóa thạch dấu chân khủng long cách đây 200 triệu năm. Nhà cổ sinh vật học của Trường đại học Columbia, Mỹ, ông Paul Olsen cùng đồng nghiệp đã trình bày những phát hiện về dấu vết của đường trượt dài giữa những dấu chân khủng long, mà trước đây không mấy ai chú ý. Đây thật sự là một phát hiện có giá trị vì hóa thạch này đã được trưng bày từ năm 1896.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu bằng cách nào mà đá trượt có thể di chuyển giữa các bước chân khủng long như vậy và họ cho rằng đây có thể là bằng chứng của một thời kỳ băng giá trong kỷ Jura sớm. Lý giải này cũng phù hợp với lý thuyết cho rằng những tảng đá này di chuyển khi băng hình thành nếu khu vực đó ngập nước. Sau đó các tảng đá trượt trên mặt băng khi băng tan, để lại vệt dài trên bùn, bùn khô đi rắn lại khi nước bay hơi hết.
Thảm vi khuẩn và sóng nước do gió tạo ra cũng có thể làm những tảng đá này dịch chuyển nhưng các nhà nghiên cứu đã loại trừ những nguyên nhân này trong trường hợp đá trượt thời cổ đại. Họ kết luận rằng trượt trên băng chính là cách mà các tảng đá này di chuyển khắp lòng hồ vì các dấu vết trên hóa thạch dấu chân khủng long sẽ không phức tạp như vậy nếu nguyên nhân là do các thảm vi sinh vật gây ra.
Vậy là giờ đây chúng ta đã biết chính băng và gió đã tạo nên điều kỳ diệu này.
Phạm Hường
Theo The Sun