1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Não nhân tạo từ công nghệ in 3D mở ra hy vọng cho bệnh nhân Alzheimer

Một bộ não nhân tạo mi-ni đang được các nhà khoa học Anh phát triển trong phòng thí nghiệm có thể sẽ được sử dụng để sửa chữa những vùng não bị tổn thương cho bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ Alzheimer.

Não nhân tạo từ công nghệ in 3D mở ra hy vọng cho bệnh nhân Alzheimer - 1

Bộ não nhân tạo thu nhỏ đang được các nhà khoa học thuộc Đại học Aston ở Birmingham, Anh phát triển trong phòng thí nghiệm. Nó được tạo ra từ các tế bào da của người, sau đó được biến đổi thành các nơ-ron thần kinh và sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra các khối giống với cấu trúc của não bộ.

Các nhà khoa học muốn sử dụng bộ não mi-ni này để thử nghiệm các liệu pháp điều trị mới hoặc theo dõi sự tiến triển của chứng sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, đây không phải là mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu.

Giáo sư Edik Rafailov, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: "Giống như khoa học viễn tưởng, chúng tôi đang cố gắng giúp các nơ-ron kết nối và phát triển cùng nhau để cuối cùng chúng ta có thể thay thế các bộ phận của não đã bị tổn thương do chứng sa sút trí tuệ".


Não nhân tạo từ công nghệ in 3D mở ra hy vọng cho bệnh nhân Alzheimer.

Não nhân tạo từ công nghệ in 3D mở ra hy vọng cho bệnh nhân Alzheimer.

Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu này là cho phép các nhà khoa học "nuôi" các bộ phận của não bộ trong phòng thí nghiệm và phát triển các mô não thay thế để cấy vào bệnh nhân mắc chứng Alzheimer.

Tiến sĩ Eric Hill, giám đốc trung tâm đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành tế bào gốc và y học tái tạo tại Đại học Aston cho biết: "Đây là một tác phẩm cực kỳ thú vị, chúng tôi đang tạo ra một thứ có thể hoạt động như mô não thật. Tuy nhiên, chúng tôi đang phải đối mặt với một số thách thức và khó khăn thực sự trong việc tạo ra mô não giống con người.

Thêm vào đó, bệnh Alzheimer thường hiện diện ở những bệnh nhân lớn tuổi, vì vậy chúng tôi đang tìm cách đẩy nhanh quá trình lão hóa cho bộ não nhân tạo này để hiểu rõ hơn sự diễn tiến của bệnh ở người".

Ý tưởng sử dụng các tế bào gốc như một phương pháp điều trị chứng sa sút trí tuệ có vẻ rất "hấp dẫn", nhưng các tổ chức từ thiện về chứng sa sút trí tuệ cũng cảnh báo phải mất rất lâu nữa phương pháp này mới có thể áp dụng được.

Tiến sĩ David Reynolds, giám đốc khoa học tại Viện nghiên cứu Alzheimer Vương quốc Anh, cho rằng: "Việc sử dụng các tế bào gốc như là một liệu pháp điều trị các bệnh về não vẫn còn rất mới mẻ. Mặc dù nghe có vẻ khả quan nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức phải vượt qua và liệu rằng phương pháp này có thể mang lại lợi ích gì cho những người mắc chứng sa sút trí tuệ hay không?".

Khánh Duy (Theo Telegraph)