Não của ta có bị Google làm thành kém thông minh?

(Dân trí) - Nghiệm đo chỉ số thông minh là để đánh giá khả năng lý luận, khả năng giải quyết vấn đề và đo độ nhanh của các giải pháp tìm ra. Đó là một cách cổ điển để đo khả năng trí tuệ – dù là các trắc nghiệm này không hoàn toàn chính xác.

Não của ta có bị Google làm thành kém thông minh? - 1

Các khảo sát cho thấy là IQ của dân tình, ở trời Âu từ một thế kỷ nay, có khuynh hướng đi lên. Thế hệ sau “khôn” hơn thế hệ trước. Thế nhưng từ khoảng năm 2.000, khuynh hướng ấy bị đảo ngược. IQ trung bình của dân tình đang đi xuống.

Ông Axel Cleeremans, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về việc học của ĐH Brussels Bỉ, cho rằng những thuận lợi của internet và iPhones làm cho trí nhớ của ta không còn được dùng như trước. Thí dụ điển hình, đi hỏi một số sinh viên trong campus, không sinh viên nào có thể cho biết số điện thoại của những người trong gia đình – các cô cậu này đã ghi các số ấy vào lưu trữ của iPhone và không cần dùng tới trí nhớ của não mình.

Ông cho một thí dụ thứ nhì: khi hỏi con số 1515 là gì, tức thì tất cả những người được hỏi vội vàng tra Google trước khi trả lời rằng đó là “năm của trận đánh Marignan ".

Chúng ta thành lười biếng? Gs Emmanuel De Becker, trưởng bộ môn Nhi đồng ở bệnh viện đại học Saint-Luc, Brussels, giải thích rằng trẻ hiện tiêu thụ màn hình trung bình khoảng ba giờ mỗì ngày. Mà các màn hình thì chỉ kích thích một số vùng đặc biệt của não chứ không giúp phát triển toàn bộ não. Vùng hồi hải mã (hippocampe) trách nhiệm cho trí nhớ của “thế hệ Google" gần như bị teo trong khi vùng trước trán (lobes préfrontaux), chuyên lo khả năng tóm lượt và đúc kết, tiếp tục phát triển.

Thế nhưng làm sao giải thích được những thành tích đáng ngạc nhiên của trẻ ở châu Á, chúng còn sử dụng các phương tiện thông tin nhiều hơn cả trẻ ở châu Âu? Thật vậy, trẻ ở Hong Kong và Singapour, IQ trung bình của chúng là 108, ở Hàn quốc là 106. Nước “giỏi” nhất ở châu Âu chỉ chiếm hạng 5 là nước Ý, với IQ trung bình cở 102.

Nhà nghiên cứu giáo dục Laurent Alexandre, ĐH Brussels, cho một giải thích: Có thể đó là nhờ ở hệ thống giáo dục châu Á còn nặng trên học thuộc lòng – mà học thuộc lòng có ít nhất một tác dụng trên não bộ: bó buộc thùy trước trán làm việc song song với việc huy động trí nhớ ngắn và trung hạn của vùng hồi hải mã.

Nếu không, đại đa số những người dùng điện thoại thông minh “ủy quyền” cho chiếc điện thoại này một phần việc làm của trí tuệ.

Nếu ta biết dùng tiềm năng của não cho những công việc khác thì sự việc không có gì đáng nói – chẳng hạn như là tập tành lý luận hay để hoàn thành những công trình cần sáng tạo, âm nhạc, thơ, văn, hội họa, … – thậm chí chỉ để tăng năng suất làm việc.

Thực tế cho thấy: Một bộ thần kinh làm việc ít hơn có thể mau suy sút hơn khi về già, nhất là trong các chứng mất trí nhớ.

Tuy nhiên hiện ta còn cần thời gian để nghiên cứu kết quả dài hạn của các thiết bị công nghệ thông tin trên não bộ.

Nguyễn Huỳnh Mai

Liège, Bỉ