Nấm ở Chernobyl có thể được sử dụng làm “lá chắn bức xạ” trong không gian
(Dân trí) - Trong điều kiện khắc nghiệt sau thảm hoạ hạt nhân Chernobyl, một số sự sống đã xoay sở để tồn tại và phát triển. Trong đó có một loại nấm đặc biệt.
Cái gọi là nấm đen hay nấm phóng xạ, có thể khai thác sức mạnh của melanin (sắc tố da giúp bảo vệ chúng ta khỏi bức xạ cực tím) chuyển đổi bức xạ gamma thành năng lượng hóa học để phát triển.
Trước đây, điều này đã được cho là một giải pháp để hỗ trợ cho các phi hành gia trong các chuyến bay vào vũ trụ, nhưng một nghiên cứu mới còn cho thấy tiềm năng đặc biệt khác đó là nấm mốc như một lá chắn bức xạ tự sao chép có thể bảo vệ những người định cư trên Sao Hỏa trong tương lai khỏi những nguy hiểm của không gian.
Bên ngoài từ trường bảo vệ Trái đất, các phi hành gia phải tiếp xúc với bức xạ vũ trụ ở mức độ cao, với liều lượng lớn có thể xâm nhập mô và dẫn đến bệnh do phóng xạ gây ra hoặc thậm chí tử vong. Bảo vệ các nhà thám hiểm khỏi mối nguy hiểm này khi họ đi xa hơn từ hành tinh của chúng ta là điều tối quan trọng.
Một vài năm trước, Xavier Gomez và Graham Shunk đã đề xuất rằng có một loại nấm hấp thụ bức xạ từ Chernobyl là Cladosporium sphaerospermum, có thể cung cấp sự bảo vệ cần thiết cho các nhà du hành vũ trụ. Nó cũng sẽ là một vật liệu rẻ hơn và dễ vận chuyển hơn so với các lựa chọn thay thế hiện tại.
Vào tháng 12 năm 2018, một mẫu nhỏ của nấm phóng xạ đã được nghiên cứu trên trạm vũ trụ ISS trong 30 ngày, kết quả hiện đã được công bố đầy bất ngờ. Mẫu nghiên cứu dày 2 mm trong thí nghiệm đã chặn khoảng 2% lượng bức xạ tới. Tuy nhiên, lớp dày 21 cm có thể đủ để che chắn con người trên Sao Hỏa.
Điều làm cho loại nấm phóng xạ này trở nên tuyệt vời hơn nữa đó là bạn chỉ cần vài gram để bắt đầu, nó sẽ tự tái tạo và tự phục hồi. Vì vậy ngay cả khi có Mặt trời làm hỏng lá chắn bức xạ, nó sẽ có thể phát triển trở lại trong một vài ngày, đồng tác giả nghiên cứu Nils Averesch của Đại học Stanford, California cho biết.
Nghiên cứu cho thấy một số kết quả đầy hứa hẹn, nhưng cần xem xét thêm về kỹ thuật. Để bắt đầu, loại nấm này không thể phát triển ngoài trời trên Sao Hỏa do nhiệt độ lạnh và nhu cầu bổ sung về nước cần phải được đáp ứng.
Một giải pháp thay thế có thể là chiết xuất sắc tố melanin có trong Cladosporium sphaerospermum và kết hợp nó vào một vỏ bọc đặc biệt. Một nhóm khác đến từ Đại học Johns Hopkins, Baltimore, gần đây đã gửi một mẫu melanin được trồng trong một loại nấm khác là Cryptococcus neoformans trên trạm ISS để kiểm tra ngăn chặn bức xạ nhiều hơn.