Năm 2025 sẽ có tàu vũ trụ nhặt rác không gian đầu tiên
(Dân trí) - Những người đứng đầu các cơ quan hàng không vũ trụ trên thế giới đã ký một hợp đồng trị giá 100 triệu bảng Anh để thu gom rác trên quỹ đạo Trái Đất.
Khi được phóng lên quỹ đạo, con tàu này sẽ dùng các cánh tay robot để bắt lấy một bộ phận do một tên lửa bỏ lại từ trước. Trên đường trở về Trái Đất, cả tàu và rác sẽ tự tiêu hủy do bốc cháy trong khí quyển.
Hãng khởi nghiệp ClearSpace của Thụy Sỹ đã được Cơ quan Vũ trụ châu Âu chọn làm nhà thầu thực hiện công việc đầu tiên này trên thế giới.
Trong 60 năm qua, con người đã thực hiện hơn 5.500 vụ phóng các vật thể lên không gian và để lại khoảng 42.000 mảnh rác trên quỹ đạo, trong đó khoảng 23.000 mảnh vẫn được theo dõi thường xuyên.
Số rác này bao gồm vệ tinh đã hết hạn sử dụng, các bộ phận của tên lửa phản lực và các mảnh vỡ từ các vụ nổ hoặc va chạm trên quỹ đạo.
Trước đó, các nhà khoa học đã từng cảnh báo về lượng rác tăng ngày càng nhanh bao quanh hành tinh chúng ta. Việc này vô cùng nguy hiểm vì nó có thể gây ra những vụ va chạm kinh hoàng phá hủy các vệ tinh đang làm việc trên quỹ đạo.
Nếu không được ngăn chặn, các sự cố do rác vũ trụ gây ra sẽ làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc và nhiều khoảng không gian bị rác chiếm giữ không thể tiếp cận được. Thậm chí một số chuyên gia cho rằng rác tích tụ như vậy giống như chiếc bẫy làm con người mắc kẹt trên Trái Đất vì việc phóng tên lửa vào không gian sẽ trở nên quá nguy hiểm.
Tàu ClearSpace-1 sẽ được đưa lên độ cao 500 km, sau đó nó sẽ bay vào quỹ đạo của bộ phận chuyển đổi tải trọng có tên Vespa do tên lửa Vega Arianespace bỏ lại từ năm 2013. Vespa có khối lượng 112 kg, tương đương với một tên lửa nhỏ. ClearSpace-1 sẽ tiếp cận và "tóm" lấy Vespa. Sau đó cả hai cùng rời quỹ đạo để quay về và bốc cháy an toàn trong khí quyển Trái Đất.
Trong tuần này, những người đứng đầu ESA và ClearSpace sẽ có cuộc họp bàn tròn để thảo luận chi tiết về dự án này. Năm ngoái, ông Luc Piguet, sáng lập viên của ClearSpace, đã cảnh báo về những mối đe dọa từ rác vũ trụ. Theo ông, bây giờ là thời điểm thích hợp để tiến hành dự án làm sạch này bởi vấn đề rác không gian đang gây sức ép hơn bao giờ hết. "Hiện nay chúng ta có gần 2.000 vệ tinh đang hoạt động và hơn 3.000 vệ tinh hỏng trên quỹ đạo".