Năm 2019, khoa học công nghệ đã có những bước đột phá như thế nào?
(Dân trí) - Năm 2019, với sự định hướng đúng đắn và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quyết tâm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để có những bước phát triển quan trọng trên mọi lĩnh vực.
Chúng ta đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỉ USD. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP 2019 đạt 46,11%, tính cả giai đoạn 2016-2019 là 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng năng suất lao động tăng 6,2% (theo giá cố định). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD.
Trong thành công chung đó, có đóng góp của Bộ và của ngành Khoa học và Công nghệ thông qua việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo để phát huy tiềm năng của các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Vậy trong năm 2019, khoa học công nghệ đã có những bước đột phá như thế nào? Hãy cùng điểm lại những dấu ấn của khoa học công nghệ ở các lĩnh vực năm 2019 để giải đáp câu hỏi này.
Năm 2019, Khoa học xã hội và nhân văn thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu để cung cấp luận cứ khoa học cho Tổ văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2015, phục vụ chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tiếp tục thực hiện 04 công trình nghiên cứu lớn, có tầm quan trọng cấp quốc gia: Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Đề án "Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam"; Nhiệm vụ "Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam"; Dự án "Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông". Các đề án, nhiệm vụ được triển khai với sự kế thừa truyền thống lịch sử của dân tộc, thành tựu 30 năm đổi mới, có ý nghĩa thiết thực cho cả hiện tại và tương lai.
Khoa học tự nhiên tiếp tục đóng góp thiết thực cho việc tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu như: Hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển; phát huy hiệu quả nguồn lực tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, khôi phục hệ thống rừng phòng hộ, ngập mặn ven biển.
Đặc biệt, sự kiện phóng thành công vệ tinh MicroDragon do Việt Nam thiết kế, chế tạo vào ngày 18/01/2019 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc làm chủ công nghệ vệ tinh quan sát trái đất, giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy ra.
Các kết quả nghiên cứu cơ bản đã góp phần phát triển một số hướng ứng dụng mang tính liên ngành, đa ngành giúp tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và đời sống. Năm 2019, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng 1,3 lần so với năm 2018.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đã góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; tích cực tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP). Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao.
Ngành trồng trọt đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến;do làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế tăng.Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, giúp nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019; giống gạo ST25 được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Phi-lip-pin.
Ngành lâm nghiệp có sự phát triển đáng kể với tốc độ tăng trưởng ổn định; đã làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, tạo ra các dây chuyền chế biến, bảo quản có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu; hình thành ngành công nghiệp chế biến lâm sản đứng thứ hai Châu Á và đứng thứ năm trên thế giới.
Ngành chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng.
Công nghệ chế biến thủy sản ngày càng được đầu tư hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.Trước diễn biến nhanh chóng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tìm giải pháp để kiềm chế, ngăn chặn bệnh dịch.
Trong lĩnh vực công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ sở hữu trí tuệ; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tập huấn cho cán bộ và phối hợp thanh tra, kiểm tra để phòng, chống gian lận thương mại. Các Chương trình KH&CN cấp quốc gia đã hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn, ưu tiên nghiên cứu, làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, thiết kế, chế tạo các sản phẩm có giá trị lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao, thay thế sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Nhiều dự án sản xuất công nghiệp lớn đã đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội; đã chủ động sản xuất được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thay thế nhập khẩu.
Trong lĩnh vực giao thông: Đã tích cực triển khai thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới, kết quả nghiên cứu đề tài trong công tác xây dựng, bảo trì công trình giao thông.
Trong lĩnh vực xây dựng: KH&CN được ứng dụng mạnh mẽ trong tất cả các khâu từ nghiên cứu vật liệu, xây dựng đơn giá, định mức; thiết kế, thi công công trình; phát triển nhà và đô thị. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng để phù hợp với các công nghệ mới. Bước đầu đã triển khai các dự án thí điểm áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tiếp tục nâng cấp mở rộng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, phát triển hạ tầng thanh toán thẻ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Fintech, định hướng chuyển đổi số, quản trị thông minh hướng tới phát triển ngân hàng số. Các dịch vụ hợp tác giữa ngân hàng và công ty công nghệ gồm liên kết tài khoản ngân hàng và ví điện tử, thanh toán hóa đơn, thanh toán bằng quét mã QR code, nạp tiền vào thẻ, mua vé máy bay, tàu hỏa… đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp tiết kiệm thời gian cho khách hàng trong giao dịch.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông: Mạng viễn thông 5G được nghiên cứu phát triển,các doanh nghiệp viễn thông lớn đã chủ động chuẩn bị cho 5G. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được truyền tải và triển khai hiệu quả trên mạng truyền số liệu chuyên dùng. Phòng thí nghiệm về thông tin di động thế hệ mới đã được triển khai xây dựng góp phần đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho cơ sở hạ tầng mạng băng rộng, xây dựng năng lực kiểm thử lỗ hổng mạng, đảm bảo đáp ứng tốt hơn về an toàn thông tin cho các hệ thống di động của Việt Nam.
Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch đã ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch được triển khai ngày càng mạnh mẽ trên các thiết bị di động, đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu của khách hàng, đặc biệt với 3 loại hình quan trọng nhất là lữ hành, lưu trú và dịch vụ du lịch.
Trong lĩnh vực quốc phòng, các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự góp phần quan trọng trong việc chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao hiệu quả khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, công nghệ cao đáp ứng yêu cầu cấp thiết của quân đội. Nhiều kết quả nghiên cứu có tính lưỡng dụng, đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Đã làm chủ công nghệ và chế tạo thành công hệ thống đo và hiển thị các tham số dẫn đường, tham số bay cho máy bay đảm bảo an toàn và an ninh. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công việc đóng mới và hạ thủy tàu cứu hộ tàu ngầm đa năng. Đây là một thành tựu của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong lĩnh vực an ninh, đã làm chủ công nghệ và phát triển các thiết bị nghiệp vụ đặc thù trong lĩnh vực điện tử viễn thông có tính năng phù hợp với các hoạt động nghiệp vụ phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chế tạo thành công một số phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác chiến đấu của lực lượng cảnh sát.
Trong lĩnh vực y tế, khoa học và công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong công tác phòng ngừa, chẩn đoán và khám chữa bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả của việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đã nghiên cứu, sản xuất thành công vắc -xin cúm mùa có khả năng ngăn ngừa ba chủng vi-rút cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B; nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh ở trẻ em; sản phẩm stent mạch vành đã được lưu hành trên thị trường và đưa vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Thực hiện thành công phẫu thuật can thiệp bào thai điều trị Hội chứng truyền máu song thai tại Việt Nam.
Lần đầu tiên thực hiện thành công tách một lá gan từ người cho chết não ghép cho hai bệnh nhân, đánh dấu một bước đột phá về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, năm 2019, chỉ số nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học tăng 26% so với 2018. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%.
“Những con số đó cho thấy sự đóng góp thực chất, đáng kể của khoa học, công nghệ vào thành tựu chung vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đặc biệt là không khí tin tưởng, phấn khởi, ai cũng mong muốn đóng góp trí lực vào sự phát triển chung của cả nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, tiềm lực khoa học, công nghệ không chỉ nằm ở các cơ sở nghiên cứu, viện hàn lâm mà còn trong người dân, người lao động, cộng đồng. Nhân lực khoa học công nghệ không chỉ là giáo sư, tiến sĩ mà có ở cả các trường nghề, công nhân, người lao động.
“Tất cả chúng ta cần có ý thức tập trung tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ đất nước, đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia”, Phó Thủ tướng nói.
Nguyễn Hùng