Mỹ: FDA phê duyệt xét nghiệm xác nhận người khỏi bệnh COVID-19

(Dân trí) - Hiện nay, ở lại trong nhà là cách duy nhất có thể giảm lây nhiễm virus corona mới. Càng ít tiếp xúc với người khác, chúng ta càng ít có khả năng bị COVID-19.

Mỹ: FDA phê duyệt xét nghiệm xác nhận người  khỏi bệnh COVID-19 - 1

Khả năng truyền nhiễm của virus này rất cao, thậm chí cả người bệnh không có triệu chứng gì cũng có thể lây cho người khác. Đấy là chưa kể có một số trường hợp, dù rất hiếm, là mầm bệnh vẫn ủ trong người đến vài tuần, trường hợp cao nhất phát hiện được cho đến nay là 49 ngày.

Triệu chứng COVID-19 có thể lẫn với triệu chứng của các bệnh cảm lạnh, cảm cúm khác. Cách duy nhất hiện nay để khẳng định một người có bị nhiễm virus corona mới hay không là xét nghiệm máu. Các bộ xét nghiệm COVID-19 hiện nay đang khan hiếm trên toàn cầu. Ở nhiều nơi, bạn không được xét nghiệm nếu bạn không có các triệu chứng nặng. Các nước như Singapore, Hàn Quốc, Đức và Iceland là những nước đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm lên cao nhất và rộng nhất trong nỗ lực chống lại căn bệnh này.

Hàn Quốc đã đạt được kết quả tích cực trong việc khống chế bệnh dịch bằng cách xét nghiệm để theo dấu những người tiếp xúc với người bệnh và cách ly các trường hợp đã được xác nhận nhiễm virus. Còn Đức thì xét nghiệm để phát hiện sớm. Với gần 85.000 trường hợp nhiễm virus, Đức là nước đứng thứ 4 thế giới về số người bệnh, nhưng quy trình sàng lọc của nước này đã giúp họ rất nhiều để giảm được tỷ lệ chết bệnh.

Để tiếp tục cuộc chiến chống lại đại dịch này, thế giới cần có một loại xét nghiệm thứ hai, xét nghiệm này cho biết một người ‘đã’ hồi phục sau khi nhiễm bệnh hay chưa. Những bệnh nhân hồi phục là người đã có kháng thể và thường sẽ không bị nhiễm lại lần thứ 2 và không lây bệnh cho người khác. Vì thế xét nghiệm kháng thể, tức là những hạt nhỏ bé chứng minh rằng hệ miễn dịch đã chống lại được virus corona mới một cách thành công, sẽ là xét nghiệm vô cùng quan trọng trong những tháng sắp tới.

Nếu miễn dịch tồn tại mãi mãi hoặc đủ lâu đến sáng năm khi chúng ta đã có vắc xin chính thức thì những người bệnh bình phục sẽ có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Họ có thể đi ra ngoài, trở lại làm việc ở những nơi đông người, đến thăm bạn bè họ hàng mà không sợ nguy cơ lây truyền virus cho người khác, và những đợt bùng phát sau này khó có thể xảy ra.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa cấp phép cho xét nghiệm kháng thể COVID-19 đầu tiên. Xét nghiệm máu này do công ty công nghệ sinh học Cellex tiến hành và phải được thực hiện ở một phòng thí nghiệm đặc biệt, nhưng kết quả sẽ có ngay sau 15-20 phút.

Các nhân viên y tế và những người làm việc liên quan đến phòng chống dịch có thể là những người đầu tiên được xét nghiệm kháng thể để sớm xác định có nguy cơ xảy ra một ổ dịch mới hay không. Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều người khác được xét nghiệm kháng thể. Nhưng chúng ta không được quên rằng không phải tất cả những người bệnh bình phục mới cần làm xét nghiệm này, vì một số người nhiễm virus nhưng không hề có triệu chứng gì, và họ sẽ không bao giờ biết được mình đã bị bệnh nếu không xét nghiệm kháng thể.

Mỹ không phải là nước duy nhất đang nghiên cứu về xét nghiệm kháng thể COVID-19 cho tương lai. Các nhà nghiên cứu Đức cũng đang tìm cách triển khai cấp “hộ chiếu miễn dịch” cho những người đã từng nhiễm bệnh và bình phục để họ có thể trở lại làm việc sớm hơn những người khác. Đây sẽ là một cách để đẩy nhanh sự phục hồi của cộng đồng và giảm những hạn chế đang áp dụng ở từng nơi. Theo tờ báo The Guardian, vào giữa tháng 4, nước Đức sẽ tiến hành một nghiên cứu trên khoảng 100.000 người tình nguyện để kiểm tra kháng thể. Sau đó các xét nghiệm tương tự sẽ được thực hiện với nhiều người hơn để theo dõi tiến trình thực tế của bệnh dịch.

Ông Gerald Krause, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Truyền nhiễm Helmholtz ở Brauschweig, Đức, nói rằng những người có kết quả xét nghiệm cho thấy họ đã có đủ kháng thể miễn dịch có thể sẽ được miễn thực hiện các quy định về giới hạn và cách ly. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một đề xuất, còn hiện chính phủ Đức vẫn chưa ban hành hướng dẫn chính thức nào về việc này.

Nước Anh trước đây đã áp dụng biện pháp miễn dịch bầy đàn đối với COVID-19, thì nay đã có kế hoạch ban hành “hộ chiếu miễn dịch” trong thời gian sắp tới.

Ngày 2/2 vừa qua, Bộ trưởng Y tế của Anh, ông Matt Hancock cho biết những bệnh nhân đã có kháng thể và sau đó có miễn dịch và được công nhận như vậy thì có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng hiện nay vẫn còn quá sớm để khẳng định được kết quả nghiên cứu này.

Nước Anh đã đặt hàng hàng triệu xét nghiệm kháng thể, nhưng kết quả xét nghiệm chưa hiệu quả, vì thế chính phủ Anh chưa phê chuẩn cho sử dụng chính thức. Mặc dù vậy, một quan chức chính phủ cho biết “chúng tôi hi vọng các xét nghiệm tới đây sẽ đủ tin cậy để cho mọi người yên tâm sử dụng”.

Phạm Hường

Theo BGR