1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Mỹ đứng trước thất bại trở lại Mặt Trăng sau hơn 50 năm

Minh Khôi Trung Nam

(Dân trí) - Chỉ vài giờ sau khi rời khỏi bệ phóng, tàu vũ trụ Peregrine đã gặp phải sự cố bất thường, có nguy cơ đe dọa tới toàn bộ sứ mệnh hướng tới Mặt Trăng của nó.

Mỹ đứng trước thất bại trở lại Mặt Trăng sau hơn 50 năm - 1

Vào 2:18 sáng ngày 8/1 (theo giờ địa phương), Astrobotic đã phóng thành công tàu vũ trụ Peregrine hướng tới Mặt Trăng (Ảnh: Space).

Tàu vũ trụ của Mỹ gặp sự cố bất thường khi đang bay tới Mặt Trăng

Chiều 8/1 (theo giờ Việt Nam), công ty Astrobotic thành công phóng tàu vũ trụ thám hiểm Mặt Trăng Peregrine từ Trạm không quân Cape Canaveral, Florida (Mỹ). Đây là lần đầu tiên tàu vũ trụ này được sử dụng cho một sứ mệnh ngoài không gian.

Không chỉ vậy, tên lửa được sử dụng cho sứ mệnh - Vulcan Centaur - cũng là thế hệ đầu tiên do nhà sản xuất United Launch Alliance (ULA) chế tạo và đưa vào hoạt động.

Do vậy, đã có không ít hoài nghi xung quanh việc liệu sứ mệnh có thể thành công, và đưa Mỹ trở lại cuộc đua tới Mặt Trăng đang ngày càng có thêm nhiều bước tiến mới.

Thế nhưng nếu sứ mệnh diễn ra tốt đẹp, đây sẽ là một bước ngoặt đối với Astrobotic và ULA nói riêng, cũng như ngành công nghiệp phóng tàu tư nhân nói chung, với tư cách là sứ mệnh hạ cánh lên Mặt Trăng đầu tiên do một công ty tư nhân thực hiện.

Nó cũng đánh dấu lần hạ cánh đầu tiên của Mỹ lên vệ tinh Trái Đất kể từ sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972.

Mỹ đứng trước thất bại trở lại Mặt Trăng sau hơn 50 năm - 2

Tàu vũ trụ Peregrine gặp sự cố bất thường sau khi tách khỏi tên lửa (Ảnh: ULA).

Thực tế là tên lửa Vulcan Centaur và hệ thống phóng đã thực hiện hoàn hảo, khi đưa tàu Peregrine rời bệ phóng và tiến vào quỹ đạo tầm thấp. Sau đó, tàu tách khỏi tên lửa và bắt đầu hành trình bay chậm tới bề mặt Mặt Trăng.

Mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, và những người theo dõi sứ mệnh đã nghĩ tới viễn cảnh con tàu sẽ hạ cánh lên Mặt Trăng vào ngày 23/2. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau, tàu Peregrine bất ngờ gặp phải sự cố, mà theo mô tả của Astrobotic là "có nguy cơ đe dọa tới toàn bộ sứ mệnh".

"Sau khi kích hoạt thành công hệ thống động cơ đẩy, tàu Peregrine bước vào trạng thái hoạt động an toàn. Thật không may, một điều bất thường sau đó đã xảy ra khiến tàu không thể hướng các tấm pin năng lượng về phía Mặt Trời một cách ổn định", Astrobotic cho biết trong một thông báo.

Nhóm nghiên cứu tin rằng nguyên nhân có thể là do sự cố tại hệ thống đẩy của tàu đã khiến một phần nhiên liệu bị thất thoát. Nếu điều này được chứng minh là đúng, nó có thể sẽ đe dọa khả năng tàu vũ trụ hạ cánh mềm trên Mặt Trăng.

Astrobotic cho biết mối quan tâm chính của họ là thời lượng pin còn lại của Peregrine. Cụ thể, tàu vũ trụ dường như đã không thể hướng các tấm pin năng lượng của nó về phía Mặt Trời để tạo ra nguồn năng lượng - thứ duy trì toàn bộ hệ thống.

Sau một thời gian khắc phục, tàu Peregrine đã có thể định hướng lại thành công các tấm pin và bắt đầu sạc năng lượng, nhưng có vẻ như sự cố ở hệ thống đẩy là không thể cứu vãn.

Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, nhóm nghiên cứu cho biết họ vẫn đang nỗ lực để giải quyết sự cố, nhưng trong tình hình hiện tại, phương án ưu tiên tới việc thu hồi thiết bị và dữ liệu khoa học trên tàu đã được tính đến.

Mỹ đứng trước thất bại trở lại Mặt Trăng sau hơn 50 năm - 3

Tàu vũ trụ Peregrine nặng khoảng 1,2 tấn là một trong những dự án quan trọng của Mỹ nhằm hạ cánh lên Mặt Trăng trong năm 2024 (Ảnh: Astrobotic).

Astrobotic là công ty đầu tiên trong số 3 công ty của Mỹ sẽ phóng tàu vũ trụ lên Mặt Trăng trong năm nay theo quan hệ đối tác công-tư mới cùng NASA.

Theo BBC, cả 3 công ty Mỹ đều nhận NASA là "khách hàng", nhưng cơ quan này không phụ trách các dự án của họ, mà chính các công ty đã thiết kế tàu vũ trụ và trực tiếp chỉ huy các công đoạn của sứ mệnh.

Được biết, NASA đã trả 108 triệu USD cho Astrobotic để phát triển dự án Peregrine và chở thí nghiệm khoa học của cơ quan này tới vệ tinh của Trái Đất Đáng chú ý trong số này gồm Hệ thống quang phổ kế dễ bay hơi cận hồng ngoại (NIRVSS), Hệ thống quang phổ neutron (NSS). Hai thiết bị này dùng để xác định sự tồn tại của nước trên bề mặt Mặt Trăng.

Cùng với đó là một số dụng cụ khoa học từ những quốc gia như Mexico, Nhật Bản... số khác gồm thí nghiệm tự động từ một công ty tư nhân ở Anh và đồ vật từ công ty vận chuyển của Đức.

Sứ mệnh quan trọng

Tàu Peregrine được phóng trên tên lửa Vulcan, cao 60 mét, sử dụng động cơ do Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos chế tạo. 

Nó được thiết kế để thay thế tên lửa Atlas V và cạnh tranh với tên lửa Falcon 9 có thể tái sử dụng của SpaceX.

Peregrine là chuyến bay đầu tiên trong số hai chuyến bay bắt buộc mà Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ yêu cầu công ty thực hiện, trước khi tên lửa Vulcan có thể làm các nhiệm vụ thương mại cũng như để nhận được sự hợp tác với Lầu Năm Góc, một khách hàng quan trọng.

Peregrine dự kiến hạ cánh lên Mặt Trăng vào ngày 23/2, có nhiệm vụ thu thập dữ liệu trên bề mặt Mặt Trăng, làm tiền đề cho các sứ mệnh có sự tham gia từ con người, được lên kế hoạch vào năm 2025.

Sứ mệnh này cũng đánh dấu chuyến đi đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng như một phần của chương trình Artemis của NASA, trị giá hàng tỷ đô la.

Artemis có sự tham gia hợp tác của các quốc gia, cũng như phụ thuộc nhiều vào các công ty tư nhân như SpaceX. 

Một công ty tư nhân thứ hai của Mỹ là Intuitive Machines, trong cùng chương trình Artemis dự kiến sẽ phóng tàu đổ bộ của riêng mình vào tháng 2 tới đây.

Tương tự như sứ mệnh Peregrine, con tàu cũng sẽ mang theo nhiều thiết bị nghiên cứu quan trọng và sẽ được phóng trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Công ty này cho biết, tàu vũ trụ của họ có thể hạ cánh lên Mặt Trăng vào ngày 22/2, một ngày trước tàu Peregrine.

Tàu đổ bộ mặt trăng Peregrine của Công ty Robot Vũ trụ Astrobotic tư nhân, được phóng vào sáng sớm ngày 8/1 từ Cape Canaveral, Florida trên tên lửa Vulcan. 

Tên lửa này được sản xuất với sự hợp tác từ Công ty Boeing và Lockheed United Launch Alliance (ULA) đã nghiên cứu và phát triển trong hơn một thập kỷ.