Mưa sao băng Lyrid đạt cực đại vào đêm nay, ở Việt Nam có xem được?
(Dân trí) - Hiện tượng mưa sao băng Lyrids kỳ thú sẽ xuất hiện vào ngày 22 - 23/4. Để quan sát đợt mưa sao băng này, cần nắm rõ tính chất và quy luật của nó
Mưa sao băng Lyrids là hiện tượng diễn ra hàng năm, trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến 25/4. Năm nay, dự kiến mưa sao băng Lyrid sẽ đạt cực đỉnh vào đêm 22/4, rạng sáng 23/4, với mật độ khoảng 18 sao băng/giờ.
Theo quy luật thường thấy, mưa sao băng sẽ leo lên cao suốt đêm, khá cao vào nửa đêm và cao nhất ngay trước khi trời sáng. Tuy nhiên, tối muộn cũng là khoảng thời gian tiềm năng để bạn chứng kiến hiện tượng này trên bầu trời.
Tại sao mưa sao băng Lyrids diễn ra hàng năm?
Lyrids (sao băng Thiên Cầm) được người Trung Quốc phát hiện vào khoảng 2.500 năm trước. Nó là một trong những trận mưa sao băng được phát hiện sớm nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên đến năm 1861, người ta phát hiện ra nó được hình thành từ các hạt bụi còn sót lại của sao chổi C/1861 G1 (Thatcher).
Các hạt bụi của sao băng Lyrids quay quanh mặt trời theo chu kỳ nhất định, với quỹ đạo hình elip. Mỗi năm một lần, khi cắt ngang qua quỹ đạo của Trái Đất, một phần của đám bụi này sẽ xuyên qua lớp khí quyển Trái Đất, bốc cháy tạo nên hiện tượng mưa sao băng.
Theo các nghiên cứu, mưa sao băng Lyrids có tần suất khoảng 20 sao băng một giờ tại cực điểm.
Tại thời gian cực điểm diễn ra mưa sao băng Lyrids, mỗi giờ sẽ có khoảng 10 - 20 vệt sáng xuất hiện trên bầu trời. Đôi khi có những vệt sáng với đuôi dài xuất hiện.
Lý giải cho hiện tượng này, các nhà khoa học cho biết đây thực chất là dấu vết của không khí bị ion hóa và phát sáng trong vài giây sau khi sao băng bay qua.
Năm 1922 tại Hy Lạp và năm 1945 ở Nhật Bản, các nhà thiên văn học từng quan sát được các đợt bùng nổ của Lyrids với đỉnh điểm có thể lên đến 100 vệt sao/giờ.
Ở Việt Nam có xem được sao băng Lyrids?
Những người yêu thích khoa học tại Việt Nam hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng sao băng Lyrids xuất hiện trên bầu trời. Tuy nhiên năm nay, mưa sao băng Lyrids diễn ra vào khoảng thời gian cận trăng rằm, tức là giữa tháng 3 âm lịch. Điều này sẽ khiến việc quan sát sao băng trở nên khó khăn hơn, do ánh trăng cản trở.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn, các tỉnh miền Bắc đêm nay sẽ có nhiều mây, còn khu vực TP. HCM thậm chí có mưa, nên khả năng quan sát thấy mưa sao băng Lyrids được cho là tương đối thấp. Tuy nhiên ở các tỉnh miền Trung như Huế, cho đến Nam Trung Bộ như Đà Nẵng lại có thời tiết lý tưởng, trời quang mây, rất dễ theo dõi mưa sao băng.
Dựa trên những lần xuất hiện trước đây của sao băng Lyrids, người quan sát hoàn toàn có thể nhìn trực tiếp hiện tượng này bằng mắt thường mà không cần đến vật dụng hỗ trợ.
Cũng cần lưu ý để nhìn thấy sao băng rõ hơn, bạn nên chọn những khu vực tối, thoáng đãng, nơi ít có ánh sáng nhân tạo và bụi.