1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Mưa sao băng Anh Tiên vào cuối tuần này có gì đặc biệt?

(Dân trí) - Cứ 133 năm một lần, sao chổi khổng lồ Swift-Tuttle lại lướt nghiêng qua Hệ Mặt Trời của chúng ta với tốc độ cao gấp 150 lần tốc độ âm thanh, kéo theo một chiếc đuôi đầy băng, bụi và những tạp bẩn vũ trụ. Cuối tuần này (ngày 11 – 12/8/2018), Trái Đất sẽ “thực hiện nhiệm vụ làm sạch” đám bụi bẩn đó mà chúng ta vẫn thường gọi bằng cái tên rất đẹp là “mưa sao băng Anh Tiên”.

Chòm sao Anh Tiên xuất hiện hàng năm từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, khi Trái Đất đi qua chiếc đuôi khổng lồ của sao chổi Swift-Tuttle trên đường sao chổi này ghé thăm thiên hà của chúng ta. Mỗi lần đi qua, sao chổi này lại “đánh rơi” hàng triệu tỉ những mảnh vụn li ti của nó vào không gian của Hệ Mặt Trời. Hầu hết những mảnh vụn này là kim loại và đá có kích thước nhỏ như những hạt cát. Mặc dù chỉ nhỏ như vậy nhưng chúng vẫn lóe sáng trên bầu trời đêm khi quét qua khí quyển Trái Đất với tốc độ 214.365 km/h.

Mưa sao băng Anh Tiên vào cuối tuần này có gì đặc biệt? - 1

Và cuối tuần này sẽ là thời điểm đẹp nhất để ngắm nhìn cơn mưa sao băng sáng chói nhất trong năm 2018.

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), vào đêm Chủ nhật (12/8), rạng sáng Thứ Hai (13/8), Trái Đất sẽ xuyên qua dải đuôi dày đặc nhất của sao chổi Swift-Tuttle, và nếu bạn tìm được một nơi thật tối, rồi nhìn lên bầu trời đêm, thì mỗi giờ bạn có thể nhìn thấy từ 50 đến 100 sao băng quét qua bầu trời.

Tin tốt cho những người thích quan sát sao đêm là năm nay Mặt Trăng sẽ vào thời điểm lưỡi liềm lặn sớm để bắt đầu một chu trình mới vào ngày Thứ Bảy (11/8) nên nó sẽ không tỏa sáng và bầu trời sẽ tối hơn. Nhờ đó, các thiên thạch mờ nhạt cũng có cơ hội nổi bật trên nền trời.

Tin xấu là có đôi khi sao Anh Tiên lại sáng đẹp hơn những năm khác và năm 2018 này có vẻ không nằm trong những lần hiếm hoi đó.

Vào một số năm, như 2016 chẳng hạn, số lượng sao băng Anh Tiên có thể lên đến 200 ngôi mỗi giờ. Có những năm sao băng cực sáng như vậy, một phần là nhờ người hàng xóm Sao Mộc. Ngôi sao khổng lồ này không bao giờ trực tiếp đi xuyên qua đuôi sao chổi Swift-Tuttle như Trái Đất, nó quá to đến nỗi chỉ cần hơi gần thôi là nó đã làm thay đổi đường đi của những đám bụi sao chổi.

Cứ 11 năm lại có 1 lần đuôi sao chổi bị Sao Mộc làm thay đổi đường đi. Khi đó Sao Mộc đến gần đuôi sao chổi Swift-Tuttle nhất, tức là ở khoảng cách 257 triệu km. Nghe có vẻ xa nhưng ngay cả ở khoảng cách này thì trọng lực khổng lồ của Sao Mộc vẫn có thể kéo các mảnh vụn của sao chổi ngang qua vũ trụ, khiến cho những mảnh vụn này đến gần Trái Đất hơn những 1.5 triệu km.

Vào những năm đặc biệt như vậy, là khi Trái Đất, Sao Mộc và bụi sao chổi Swift-Tuttle ở vào vị trí khá gần nhau, thì Trái Đất có thể chứng kiến trận mưa sao Anh Tiên đặc biệt kì thú. Có nhiều thiên thạch hơn, chúng đến gần Trái Đất hơn và cháy sáng hơn. Những năm mưa sao băng như thế xảy ra gần đây là 1921, 1945, 1968, 1980 và 2004.

Đáng buồn là năm nay lại không phải là một năm đặc biệt như thế. Tuy nhiên, trận mưa sao băng cuối tuần này vẫn là sáng nhất trong năm 2018, một năm khá tốt để chúng ta chiêm ngưỡng được mưa sao băng. Ông Bill Cooke, một nhà khoa học của NASA cho biết “mưa sao băng năm nay là của một sao chổi đã hình thành cách đây hàng trăm năm nếu không nói là hàng nghìn năm trước, và nó đã du hành hàng tỉ dặm trước khi đuôi của nó quệt vào bầu khí quyển Trái Đất.” Xét về mặt khoa học, thì đây là một điều vô cùng đặc biệt.

Phạm Hường (Theo Live Science)