1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Một lục địa trên Trái Đất đang dâng lên, hậu quả sẽ khủng khiếp ra sao?

Phạm Hường

(Dân trí) - Nam Cực đang giảm trọng lượng do băng tan, cho nên nó nhô lên khỏi đại dương như một miếng bọt biển bị bóp giờ có thể tự do nở ra trở lại.

Một lục địa trên Trái Đất đang dâng lên, hậu quả sẽ khủng khiếp ra sao? - 1
Một nghiên cứu mới cho biết quá trình lục địa Nam Cực dâng lên do giảm trọng lượng sẽ có tác động to lớn đến mực nước biển dâng toàn cầu.

Trong vài năm qua, băng Nam Cực luôn ở mức thấp kỷ lục. Ý kiến chuyên gia cho biết với gần 700 triệu người sống ở các vùng ven biển và thiệt hại ước tính do nước biển dâng có thể lên đến hàng nghìn tỷ đô-la Mỹ vào cuối thế kỷ này, thì việc hiểu được hiệu ứng domino do băng Nam Cực tan là vô cùng quan trọng.

Nhóm nghiên cứu ở Trường đại học McGill, Canada, đã tìm hiểu lớp vỏ Trái Đất bên dưới thềm băng Nam Cực và phát hiện ra lớp vỏ này đặc biệt yếu ở một số địa điểm quan trọng nhất.

Dữ liệu địa chấn cho thấy mặt đất ở những nơi này đang nhô cao lên rất nhanh. Nhà địa chất học Terry Wilson ở Trường đại học bang Ohio, Mỹ, cũng đánh giá đất nhô lên khỏi những chỗ băng giảm đang xảy ra theo mức độ hàng chục năm chứ không phải là hàng nghìn năm.

Các nhà nghiên cứu đã chạy mô hình 3D để mô phỏng tình hình nước biển dâng do biến đổi của đất liền ở Nam Cực theo nhiều kịch bản khác nhau.

Nếu tình trạng ấm lên ở mức thấp, thì việc đất liền Nam cực nhô lên cao sẽ làm mực nước biển dâng thêm 1,7 mét vào năm 2500, còn nếu chúng ta tiếp tục làm cho tình trạng ấm lên toàn cầu tăng không kiểm soát thì mực nước biển sẽ dâng thêm đến 19,5 mét.

Đó là vì khi thềm băng bị tan vỡ quá nhanh do đất nhô lên, nước do băng tan sẽ đổ xuống biển nhiều hơn, còn nếu chúng ta giữ cho việc băng tan xảy ra chậm thì đất nhô lên vẫn có thể giữ lại một phần băng cùng nhô lên khỏi nước biển ấm và tan chậm hơn.

Một lục địa trên Trái Đất đang dâng lên, hậu quả sẽ khủng khiếp ra sao? - 2
Dự đoán mực nước biển dâng từ năm 2000 đến năm 2150 theo kịch bản phát thải thấp (bên trái) và theo kịch bản phát thải cao (bên phải). (Ảnh: Shaina Sadai).

Vì Trái Đất không phải là một hình cầu hoàn toàn nhẵn nhụi nên các vùng khác nhau trên hành tinh chúng ta sẽ trải qua tình hình nước biển dâng khác nhau do các đặc tính về địa chất, lực hấp dẫn và mức độ xoay.

Nhóm nghiên cứu cho biết các kết quả nghiên cứu lần này khẳng định thêm các phát hiện gần đây rằng những hòn đảo ở vĩ độ thấp và các vùng ven biển hiện đang bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng sẽ rơi vào tình trạng mực nước biển dâng trên mức trung bình liên quan đến việc Nam Cực mất băng.

Điều này nhấn mạnh thêm "công lý khí hậu" không được bảo đảm đối với những nước phát thải ít nhưng lại phải chịu nhiều rủi ro và thiệt hại do mực nước biển dâng cao.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng vẫn còn nhiều điểm chưa chắc chắn trong mô hình nghiên cứu này, cụ thể là do thiếu dữ liệu địa chấn về vùng Tây Nam Cực, và những con số ước tính chưa kết hợp với tình hình đang xảy ra với băng ở Greenland và các ngọn núi trên thế giới.

Mực nước biển dâng đã và đang ảnh hưởng đến các hòn đảo thấp, ví dụ như các đảo Kiribati ở Đại Tây Dương.

Phần lớn đảo South Tarawa của Kiribati có độ cao chưa đến 3 mét so với mực nước biển và người dân ở đây đang nỗ lực ngăn biển bằng các bao cát chỉ để khỏi bị cuốn trôi sau trận lụt đầu năm nay cướp đi nhà cửa, mùa màng, đất đai và làm các giếng nước ngọt bị nước mặn tràn vào.

Trong khi đó, các vùng đầm lầy bị mắc kẹt giữa mực nước dâng cao và các cơ sở hạ tầng do con người xây dựng, chẳng hạn như đường xá. Nếu mất đi những hệ sinh thái đầm lầy có chức năng lọc nước và kiểm soát xói mòn thì mực nước biển sẽ còn dâng cao hơn nữa và thiệt hại sẽ còn nặng nề hơn.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng giảm phát thải khí nhà kính sẽ giúp phần đất liền của Trái Đất được phục hồi để có thể bảo tồn thêm các thềm băng Nam Cực, tránh các tác động tồi tệ nhất và bất công nhất của biến đổi khí hậu trong tương lai đối với các vùng bờ biển trên toàn cầu.

Theo www.sciencealert.com