Môi trường ánh sáng cũng ảnh hưởng đến trao đổi chất trong cơ thể con người

(Dân trí) - Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chức năng trao đổi chất của cơ thể như: chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể thao…. Tuy nhiên, mới đây, trong một báo cáo nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí PLOS ONE, các nhà khoa học đến từ Trung tâm Y tế Northwestern đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với môi trường ánh sáng cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người.

Theo đó, nhóm nghiên cứu khẳng định việc tiếp xúc với ánh sáng chói làm gia tăng tính kháng insulin của cơ thể so với với ánh sáng yếu tại thời điểm sáng sớm và chiều tối. Và Kháng insulin là tình trạng suy giảm tác dụng sinh học của insulin, làm đường tích tụ ở trong máu. Theo thời gian, nồng độ đường trong máu tăng cao quá mức có thể dẫn đến tăng nồng độ mỡ trong máu (rối loạn mỡ máu), khiến cơ thể tăng cân và dẫn đến nguy cơ mắc đái tháo đường.


Môi trường ánh sáng cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người

Môi trường ánh sáng cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người

"Phát hiện này là một minh chứng rõ ràng rằng việc tiếp xúc với môi trường ánh sáng có khả năng ảnh hưởng đến chức năng trao đổi chất của cơ thể", Kathryn Reid, giáo sư chuyên ngành Thần kinh học tại Trường Y khoa Feinberg, Đại học Northwestern cho biết.

“Ánh sáng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi chất - đây được coi là một phát hiện hết sức thú vị, tuy nhiên, hiện chúng tôi cũng chưa tìm được nguyên nhân lý giải cho điều này. Về lý thuyết, có thể hiểu một cách đơn giản rằng bạn có thể sử dụng ánh sáng như một công cụ để điều khiển chức năng trao đổi chất trong cơ thể”, Reid nhấn mạnh.

Trong một nghiên cứu được thực hiện trước đó, nhóm chuyên gia Northwestern đã quan sát và rút ra kết luận rằng: những bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng chói vào buổi sáng, đặc biệt là ánh sáng gay gắt vào buổi trưa khi mặt trời lên cao ở mức đỉnh điểm thường có trọng lượng nhẹ hơn so với trường hợp những bệnh nhân tiếp xúc với ánh sáng sau thời điểm sau 12 giờ trưa. Nghiên cứu được thực hiện trên chuột cũng cho thấy kết quả tương tự, cụ thể là: ở những con chuột bị nhốt ở nơi có điều kiện ánh sáng liên tục đã xảy ra hiện tượng rối loạn chuyển hóa đường trong máu, đồng thời, cân nặng của chúng cũng nhỉnh hơn so với nhóm chuột bình thường.

Ivy Cheung, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chuyên ngành thần kinh học tại Feinberg đồng thời cũng là tác giả nghiên cứu cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng: vào thời điểm sau bữa ăn và trong quá trình tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối, insulin không có khả năng đưa mức đường huyết trở về như lúc ban đầu. Do đó, kết quả nghiên cứu đã nêu bật mức độ ảnh hưởng gián tiếp của môi trường ánh sáng đối với sức khỏe của con người".

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quá trình tiếp xúc với môi trường ánh sáng hay bóng tối đóng vai trò là những tác nhân gián tiếp tác động đến trọng lượng cũng như lượng thức ăn tiêu thụ của cơ thể. Mục đích nghiên cứu của nhóm chuyên gia Northwestern là nhằm kiểm tra và đánh giá tác động mạnh mẽ của việc tiếp xúc trực tiếp với môi trường ánh sáng xanh trong khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ vào buổi sáng đối với nhu cầu ăn uống, chức năng trao đổi chất cũng như sinh lý học của cơ thể con người.

19 người trong độ tuổi trưởng thành và có sức khỏe bình thường được lựa chọn ngẫu nhiên để tham gia thử nghiệm tiếp xúc với môi trường ánh sáng xanh trong vòng 3 giờ đồng hồ. Các đối tượng tham gia được chia làm hai nhóm sinh hoạt vào hai thời điểm khác nhau: nhóm sáng và nhóm tối. Thời gian thử nghiệm được tính là khoảng thời gian nửa giờ sau khi thức dậy đối với nhóm buổi sáng và 10,5 giờ sau khi thức dậy đối với nhóm buổi tối. Nhóm buổi sáng được yêu cầu ăn bữa sáng trong môi trường ánh sáng và nhóm buổi tối cũng phải ăn tối trong môi trường tương tự. Tiếp đến, các nhà nghiên cứu tiến hành quan sát và so sánh kết quả của mỗi đối tượng tham gia thử nghiệm ở cả hai môi trường tiếp xúc với ánh sáng và bóng tối.

Nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng xanh có khả năng làm biến đổi rõ rệt chức năng trao đổi chất của cơ thể tại cả hai thời điểm sáng và tối so với ánh sáng mờ. Cụ thể là: tiếp xúc với môi trường ánh sáng xanh vào buổi sáng và buổi tối đều có thể dẫn tới tính kháng insulin cao hơn và ánh sáng xanh vào buổi tối được cho là yếu tố làm tăng đáng kể nồng độ đường trong máu. Điều đó cũng có nghĩa là insulin không có khả năng bù đắp cho sự gia tăng nồng độ đường trong máu vào buổi tối.

P.K.L - NASATI (Theo Sciencedaily)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm