1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Mối đe dọa tuyệt chủng của các loài lưỡng cư

(Dân trí) - Nghiên cứu cho thấy ánh sáng nhân tạo ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cóc và ngăn cản quá trình sinh sản trên mặt đất của ếch.

Mối đe dọa tuyệt chủng của các loài lưỡng cư - 1

Theo một nghiên cứu mới, ánh sáng từ xe hơi, các tòa nhà cao tầng và đèn đường đang làm cóc không thể ngủ vào ban đêm và làm chậm sự tăng trưởng của chúng, trong khi đó cũng ngăn cản việc ếch đẻ trứng.

Trong quần thể động vật lưỡng cư đã bị suy giảm nghiêm trọng do hóa chất độc hại, bệnh tật và sự phá hủy môi trường sống, sự xáo trộn gây ra bởi ô nhiễm ánh sáng có thể đẩy chúng tới bờ vực của sự tuyệt chủng.

Ánh sáng nhân tạo đã biến đổi môi trường ban đêm trên 1/5 bề mặt của hành tinh và điều này dự kiến ​​sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới.

Mặc dù quy mô của sự xáo trộn này đang ngày càng lớn lên, nhưng tác động của nó trên những loài động vật có thói quen thay đổi sâu sắc bởi ánh sáng trong 24 giờ tương đối ít được chú ý.

Điều này đã được ghi nhận bởi Kacey Dananay, một sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Case Western Reserve, người đã bắt đầu xem xét tác động của ánh sáng nhân tạo trong khi nghiên cứu ảnh hưởng của hóa chất trên động vật lưỡng cư địa phương.

Cô bắt đầu thực hiện dự án với giám sát viên, nhà sinh thái học Michael Benard, trong đó họ xây dựng ao nhân tạo và quan sát ảnh hưởng của ánh sáng liên tục trên những con cóc

Khi những con cóc lớn lên, ánh sáng khiến chúng phản ứng một cách lạ lùng.

Tiến sĩ Benard chia sẻ với trang The Independent: “Nếu chúng tôi tiếp tục để chúng sống dưới ánh sáng nhân tạo, chúng thay đổi hành vi bằng cách hoạt động nhiều hơn vào ban đêm, và chúng cũng tăng trưởng chậm hơn - khoảng chậm hơn 15% so với những con cóc sống trong điều kiện bình thường vào cuối thí nghiệm”.

Sự tăng trưởng chậm chạp của những con cóc được chiếu sáng nhiều có thể là kết quả của lối sống 24 giờ mà chúng không bao giờ có thời gian nghỉ ngơi.

Tiến sĩ Benard cho biết: “Chúng luôn luôn ở ngoài đó, luôn luôn di chuyển, vì vậy điều này có thể có nghĩa là chúng đang đốt cháy nhiều năng lượng hơn và phát triển ít hơn”.

Ngoài ra, ánh sáng nhân tạo có thể thay đổi hóa học bên trong của những loài lưỡng cư này, gây rối loạn với các hormone căng thẳng hoặc chu kì giấc ngủ, 2 yếu tố quan trọng điều khiển nhịp sinh học.

Trong một bước ngoặt bất ngờ, các nhà khoa học nhận thấy các thí nghiệm của họ bị xâm lấn bởi các ếch cây địa phương, thêm một cánh cửa mới vào cuộc điều tra của họ.

Trong khi những con ếch vui mừng đẻ trứng dưới bóng tối, chúng sẽ tránh việc đẻ ở bất kỳ hồ bơi nào được thắp sáng, điều này gợi ý rằng động vật lưỡng cư đang bị hạn chế nơi sinh sản bởi những khu vực có ánh sáng liên tục.

Với ánh sáng liên tục hiện nay phổ biến khắp nơi trên thế giới, các nhà nghiên cứu lo ngại rằng việc này kết hợp với các yếu tố khác đang thúc đẩy rất nhiều động vật lưỡng cư bị tuyệt chủng.

Benard giải thích: “Những điều đáng báo động trong 20 năm qua với sự suy giảm động vật lưỡng cư là những yếu tố căng thẳng có tương tác với nhau - vì vậy các chất gây ô nhiễm từ hóa học có thể làm cho một con vật dễ bị bệnh hơn. Tôi nghi ngờ ánh sáng nhân tạo cũng đang làm điều tương tự thế này.”

Nhiều hình thức chiếu sáng nhân tạo là cần thiết, ít nhất là đèn pha xe hơi, nhưng Tiến sĩ Benard cho biết cần phải xem xét thêm các loại ánh sáng phù hợp hơn được sử dụng trong các tòa nhà và các biển quảng cáo để giảm thiểu tác hại đến hệ sinh thái địa phương.

Hoàng Hằng

Theo Independent