Mở lối tương lai cho ngành công nghiệp xe hơi với IoT và 5G?

(Dân trí) - Ngành xe hơi sẽ là một trong những ngành đầu tiên được hưởng lợi từ công nghệ 5G và IoT. Sử dụng kết hợp các công nghệ này sẽ tạo ra khả năng mới, nâng cấp giao thông tương lai của chúng ta.

Hãy cùng hình dung một thế giới nơi chiếc xe của bạn hỗ trợ công việc hàng ngày của bạn. Chiếc xe kiểm tra lịch làm việc của bạn, thấy rằng bạn có một cuộc họp lúc 8 giờ sáng và kiểm tra tình hình giao thông để tìm tuyến đường tốt nhất đến văn phòng, đảm bảo bạn vào họp đúng giờ.

Mở lối tương lai cho ngành công nghiệp xe hơi với IoT và 5G? - 1

Ngành xe hơi sẽ là một trong những ngành đầu tiên được hưởng lợi từ công nghệ 5G và IoT.

Chiếc xe của bạn có thể gửi tin nhắn đến điện thoại hoặc đồng hồ thông minh để nhắc bạn về cuộc họp, trong khi dữ liệu lớn trên đám mây xử lý thông tin để xác định thời điểm lý tưởng bạn nên ra khỏi nhà và nhắc bạn qua điện thoại - đó chính là dịch vụ xe - người trợ lý ảo được kết nối!

Bạn cho rằng điều này là không khả thi? Thời thế đã thay đổi. Ngành công nghiệp xe hơi không thể tiếp tục xem nhẹ tầm quan trọng của IoT. Từ xe hơi được kết nối cho tới hệ thống giao thông thông minh, IoT đang giúp ngành xe hơi phát triển các phương tiện giao thông thế hệ tiếp theo.

Theo bà Janet Ooi, Giám đốc Bộ phận Giải pháp IoT công nghiệp, Keysight Technologies, sự kết hợp của nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau đang mở đường cho hệ sinh thái xe hơi kết nối như các bộ cảm biến, bao gồm cảm biến quang học, cảm biến dò tìm và định vị bằng vô tuyến (RADAR), cảm biến dò tìm và định vị bằng ánh sáng (LIDAR); Các hệ thống thông tin, bao gồm mạng Ethernet trên xe hơi, khả  năng xử lý tín hiệu mạnh mẽ, tính năng lập bản đồ độ phân giải cao (HD) với khả năng điều hướng chính xác cao và trí tuệ nhân tạo (AI); Liên lạc giữa các phương tiện giao thông (V2V), giữa phương tiện giao thông với mạng (V2N), giữa phương tiện giao thông với cơ sở hạ tầng (V2I), giữa phương tiện giao thông với người đi bộ (V2P), giữa phương tiện giao thông với các dịch vụ tiện ích (V2U) và cuối cùng, giữa phương tiện giao thông với vạn vật (V2X).

Mở lối tương lai cho ngành công nghiệp xe hơi với IoT và 5G? - 2

Bà Janet Ooi, Giám đốc Bộ phận Giải pháp IoT công nghiệp, Keysight Technologies. 

Khi kết hợp các công nghệ như kết nối vô tuyến 5G và Internet vạn vật (IoT), chúng ta có thể phát triển các tính năng và ứng dụng mới cho ngành xe hơi. 5G đẩy nhanh sự phát triển của ngành xe hơi. Công nghệ này có các tính năng như băng rộng di động nâng cao (eMBB), kết nối siêu tin cậy với độ trễ thấp siêu thấp (URLLC) và kết nối giữa các thiết bị trên quy mô lớn (mMTC).

Với eMBB, 5G sẽ có tốc độ siêu nhanh. Mạng 5G có tốc độ 10 Gigabit/giây, nhanh hơn 100 lần so với mạng 4G. Công nghệ này có thể hỗ trợ dữ liệu đa phương tiện phong phú hơn, tính năng tương tác với video 3D và hỗ trợ thực tế tăng cường (AR)/thực tế ảo (VR).

Với URLCC, kết nối thông tin sẽ gần như tức thời. Mạng 5G có độ trễ rất thấp - chỉ từ 1 đến 5 mili giây, so với độ trễ lên tới 20 mili giây của mạng 4G hiện nay. Đối với xe tự lái, điều này có nghĩa là độ trễ gần với thời gian thực, cung cấp cho người dùng thông tin cảnh báo trước khi họ nhận thấy.

 Kết nối nhiều thiết bị một cách đáng tin cậy nhờ tính năng mMTC. Nhiều xe có thể trao đổi thông tin nhằm mục đích điều khiển giao thông hoặc cảnh báo nguy hiểm cho người lái xe.  

Những tính năng này sẽ làm thay đổi trải nghiệm lái xe của chúng ta như thế nào trong tương lai gần?  Giải đáp câu hỏi này, bà Janet Ooi cho biết sẽ có năm cách công nghệ có thể thay đổi trải nghiệm:

1. Bảo dưỡng dự đoán

Bảo dưỡng dự đoán giúp xác định vấn đề trước khi phát sinh. Các cảm biến trong xe sẽ giám sát ắc quy, bơm nhiên liệu và moto khởi động của xe để thu thập và truyền dữ liệu hoạt động tới máy chủ trên đám mây.

Dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để kết hợp dữ liệu này với và các dữ liệu khác về chiếc xe được lưu trữ trên đám mây sẽ giúp dự đoán các vấn đề tiềm ẩn khó chẩn đoán trong bảo dưỡng nếu chỉ dựa trên dữ liệu truyền thống thu thập được từ các lần sửa chữa trước.

Kỹ thuật viên sẽ sử dụng tính năng phân tích dữ liệu dự đoán để gửi khuyến nghị cho tài xế thông qua chính chiếc xe hoặc một thiết bị được kết nối. Kết nối V2C sẽ cho phép cập nhật phần mềm và chẩn đoán từ xa (OTA). Tài xế có thể chủ động trong việc bảo dưỡng để tránh những sự cố có thể xảy ra khi lái xe.

2. Tính năng thông tin giải trí nâng cao

Hệ thống thông tin giải trí là một tập hợp các hệ thống cung cấp nội dung giải trí và dữ liệu về phương tiện cho tài xế và hành khách nhằm đảm bảo hành trình an toàn và thoải mái.

Hệ thống này còn tương tác với các hệ thống bên trong và bên ngoài xe, chẳng hạn như bộ phận đầu điều khiển tích hợp, mô-đun kết nối và cảm biến xe hơi tích hợp. Các nhà sản xuất đang tích hợp thêm các tính năng AI, AR và VR để có trải nghiệm thông tin giải trí trong xe sống động hơn.

3. Viễn thông và quản lý đội xe

Viễn thông là khả năng truyền dẫn dữ liệu máy tính ở khoảng cách xa. Các hệ thống viễn thông trên xe hơi có thể theo dõi các thông tin chi tiết theo thời gian thực của chiếc xe như tốc độ và chạy không tải, mức sử dụng nhiên liệu, áp suất lốp, tình trạng xe,... Ngành vận tải hàng đông lạnh sử dụng dữ liệu để giúp các nhà quản lý đội xe tối ưu hóa các tuyến đường di chuyển, giảm chi phí hoạt động, tăng cường an ninh đội xe và an toàn cho tài xế  cũng như quản lý việc bảo dưỡng từ xa. Theo dõi nhiệt độ bằng cảm biến hàng hóa sẽ duy trì nhiệt độ chính xác cho các loại thực phẩm dễ hỏng - trái cây, rau, sản phẩm sữa, thịt và cá.

4. Dịch vụ an toàn giao thông

Công nghệ 5G và IoT cho phép chia sẻ thông tin về tình trạng giao thông và đường xá giữa  người sử dụng phương tiện giao thông và người đi bộ. Dữ liệu thu thập được từ cơ sở hạ tầng 5G, từ các thiết bị liên lạc 5G trong xe hơi và từ các thiết bị thông minh của khách bộ hành đều được lưu trữ trên đám mây.

Các ứng dụng và hệ thống phân tích dữ liệu thời gian thực sẽ cảnh báo người lái xe theo thời gian thực về tình trạng đường nguy hiểm và tắc nghẽn giao thông.

5. Một tương lai bền vững

Dữ liệu thu thập từ các phương tiện giao thông, người đi bộ và cơ sở hạ tầng có thể thể hiện nhiều thông tin về một thành phố. Chính quyền thành phố có thể sử dụng dữ liệu này để xây dựng một môi trường xanh hơn - hệ thống đèn giao thông kết nối IoT, chỉ bật nếu phát hiện thấy người đi bộ ở khu vực lân cận; trợ giúp phân luồng khi tắc đường để giảm lượng khí thải CO2 . Điều này sẽ giúp thành phố tiết kiệm điện năng.