Mẫu băng cổ nhất trên Trái Đất có thể nằm ẩn 2,7 km bên dưới Nam Cực
(Dân trí) - Các nhà khoa học châu Âu đang tìm kiếm một số loại băng lâu đời nhất trên hành tinh có thể đang nằm ở Nam Cực. Dự kiến các nhà khoa học sẽ khoan hơn 2,7 km bên dưới bề mặt của băng.
Trong vòng 5 năm tới, nhiệm vụ đặc biệt này sẽ được khởi động tại một địa điểm xa xôi có tên là "Mái vòm C" để bắt đầu khoan mẫu băng lên tới 1,5 triệu năm tuổi.
"Các lõi băng là duy nhất cho khoa học địa chất bởi vì chúng là một kho lưu trữ của bầu khí quyển", nhà nghiên cứu Olaf Eisen đến từ viện Alfred Wegener ở Đức cho biết.
Thực tế, đoàn thám hiểm sẽ xây dựng dựa trên một nhiệm vụ trong quá khứ. Dự án Châu Âu tìm kiếm lõi băng ở Nam Cực, diễn ra từ năm 1996 đến 2004 tại trạm nghiên cứu , do Pháp và Italia điều hành.
Các nhà nghiên cứu của dự án đã có thể có được lõi băng với dữ liệu khí hậu 800.000 năm. Trong thời kỳ này, khí hậu đã chuyển từ thời kỳ Băng hà sang thời kỳ mới trong chu kỳ 100.000 năm.
Tuy nhiên, lõi băng đặc biệt này không có dữ liệu thời gian từ 900.000 đến 1,2 triệu năm trước, nơi chúng ta đã có một sự chuyển đổi lớn trong hệ thống khí hậu, Eisen cho biết.
1,2 triệu năm trước, Kỷ băng hà của Trái Đất được cho là xen kẽ với chu kỳ 40.000 năm. Các nhà khoa học không biết điều gì đã xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp trong hệ thống khí hậu khiến thời kỳ Băng hà trở nên dài hơn và lạnh hơn.
Các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ tìm thấy một số câu trả lời trong dự án mới cũng như dữ liệu sẽ giúp họ xây dựng dự báo khí hậu cho tương lai.
Khu vực dự kiến sẽ thực hiện khoan băng rất khô và hầu như không thấy lượng mưa, điều này khá thuận lợi cho mục tiêu của dự án.
Có thể sẽ phải mất nhiều năm để nhóm nghiên cứu có thể tiếp cận những lớp băng cổ xưa khi họ lấy các ống băng dài 4m, rộng 10 cm tại một thời điểm. Điều đó cũng có nghĩa là kết quả quan trọng nhất của dự án sẽ không được công bố cho đến ít nhất là năm 2025.
Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ ước tính trị giá khoảng 33,8 triệu USD.
Minh Long (Theo Live Science)