1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Mặt Trời bùng phát ngọn lửa mạnh nhất chu kỳ

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Mặt Trời đang hoạt động cực mạnh, đạt chu kỳ hoạt động có cường độ mạnh nhất từng được ghi nhận.

Mặt Trời bùng phát ngọn lửa mạnh nhất chu kỳ - 1
Mặt Trời đã bùng phát cơn bão dữ dội tại vết đen AR3664 vào ngày 14/5 (Ảnh: NASA).

Phun trào liên tiếp

13h51, ngày 14/5 (giờ Việt Nam), vết đen mặt trời AR3664 phát ra một ngọn lửa khổng lồ - loại X8.7 - mạnh nhất trong chu kỳ hoạt động hiện tại.

Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian (SWPC), Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), chu kỳ hoạt động này có cường độ mạnh nhất được ghi nhận cho đến nay.

Khu vực này đã ghi nhận hoạt động mạnh mẽ các cơn bão mặt trời trong vài ngày qua.

Bão mặt trời là vụ nổ mạnh xảy ra khi các đường sức từ trên bề mặt mặt trời bị gián đoạn. Sự xáo trộn này do quá trình tích tụ năng lượng ở những khu vực có từ trường mạnh, đặc biệt là ở các vết đen mặt trời.

Kết quả dẫn đến vụ phun trào, chúng phóng ra những tia vật chất bị ion hóa khổng lồ cách bề mặt hàng trăm nghìn kilomet.

Những hiện tượng cực đoan này trở nên thường xuyên hơn khi Mặt Trời trải qua chu kỳ hoạt động định kỳ 11 năm của nó.

Các nhà thiên văn học không thể xác định chính xác thời điểm cực đại của Mặt Trời cho đến vài tháng sau khi nó xảy ra.

Mặt Trời thực sự đang hoạt động cực mạnh kể từ đầu năm nay. Các nhà khoa học đã ghi nhận 97 cơn bão mặt trời loại M và X chỉ trong tháng này (từ ngày 1 đến ngày 14/5). Lớp X biểu thị các đợt bùng phát dữ dội nhất sau lớp M.

Trong số các khu vực hoạt động tích cực nhất là vết đen mặt trời AR3664. Nó có đường kính gấp 17 lần đường kính Trái Đất. Ngày 12/5, nó đã tạo ra một vụ phun trào kép cấp X gây ra cơn bão địa từ mạnh nhất kể từ năm 2003.

Riêng ngày 14/5, vết đen mặt trời này đã gây ra 3 vụ phun trào liên tiếp, lần lượt thuộc lớp X1.7, X1.3 và X8.7.

"Vết đen AR3664 tạo ra một ngọn lửa cấp X khác khi nó di chuyển ra ngoài rìa mặt trời phía tây. Lần này, đó là ngọn lửa thuộc loại X8.7, mạnh nhất của chu kỳ mặt trời lần này", SWPC cho biết.

Mặt khác, do vị trí xảy ra vụ phun trào đã bị che khuất một phần. Điều này cho thấy nó có thể còn mạnh hơn chúng ta nghĩ.

Gây hại cho liên lạc vô tuyến

Bất chấp cường độ của vụ phun trào mới nhất, các chuyên gia SWPC tin rằng, vết đen này có thể sẽ có rất ít tác động địa từ lên Trái Đất. Vết đen AR3664 đã di chuyển đến rìa phía tây của đĩa mặt trời và do đó không còn đối diện trực tiếp với hành tinh của chúng ta nữa.

Tuy nhiên, vị trí của AR3664 kết nối từ tính với hành tinh của chúng ta, khiến ngọn lửa cực mạnh ngày 14/5 đặc biệt có hại cho liên lạc vô tuyến.

Sự kết nối này trên thực tế tạo ra một vòng xoáy Parker - một hiện tượng từ tính làm tăng tốc độ chuyển động của các hạt tích điện giữa Mặt Trời và Trái Đất. Nó giống như một đường cao tốc từ tính", SWPC tiết lộ.

Các hạt tích điện tới hành tinh chúng ta truyền về phía các cực, chúng làm ion hóa bầu khí quyển và cản trở việc truyền vô tuyến sóng ngắn thông thường.

Tại Bắc Cực, tần số vô tuyến dưới 30 megahertz gần như bị che khuất hoàn toàn. Trong khi ở Úc, Đông Á và khắp châu Mỹ, tần số 20 megahertz cũng đã gần như bị mất kết nối.

Sự gián đoạn này có thể gây nguy hiểm cho giao thông hàng không, đường thủy và các nhà khai thác sóng vô tuyến khác. Ngoài ra, những lần ngừng hoạt động này có thể kéo dài trong vài ngày, đặc biệt nếu các vụ phun trào tiếp tục xảy ra ở khu vực AR3664.

Theo trustmyscience.com