1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Mặt Trăng "chạm mặt" Sao Hỏa vào cuối tuần này

Minh Khôi

(Dân trí) - Người yêu thiên văn sẽ có cơ hội quan sát thấy một trong những hiện tượng thú vị diễn ra trên bầu trời, khi Mặt Trăng "chạm mặt" và Sao Hỏa trong tháng này.

Trái Đất, Mặt Trăng và Sao Hỏa xếp thẳng hàng

Mặt Trăng chạm mặt Sao Hỏa vào cuối tuần này - 1

Ảnh minh họa: Getty

Theo Guardian, vào ngày 9/2, Mặt Trăng và Sao Hỏa sẽ nằm ở vị trí gần như thẳng hàng khi quan sát từ Trái Đất. Tại một số vĩ độ cao ở phía bắc, hiện tượng che khuất Sao Hỏa sẽ diễn ra khi Mặt Trăng di chuyển ra phía trước hành tinh này, và tạm thời che khuất nó khỏi tầm nhìn.

Hiện tượng thiên văn này có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường, do cả Mặt Trăng và Sao Hỏa đều sẽ tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời đêm. Trên thực tế, ngay từ lúc hoàng hôn, cặp đôi thiên thể này sẽ xuất hiện từ chân trời hướng đông, tạo nên một cảnh tượng đầy mê hoặc.

Trong đó, Sao Hỏa với sắc đỏ đặc trưng, vừa mới đi qua điểm gần Trái Đất nhất vào tháng trước. Còn Mặt Trăng sẽ bước vào pha trăng khuyết 12 ngày, tức chỉ vài ngày trước khi trở thành trăng tròn.

Các nguồn tin cho biết, hiện tượng có thể quan sát được ở nhiều khu vực, bao gồm miền đông Canada, Greenland, Iceland, cũng như phần lớn lãnh thổ Nga, Trung Quốc và một số quốc gia châu Á.

Hành tinh Đỏ bí ẩn chờ được khám phá

Mặt Trăng chạm mặt Sao Hỏa vào cuối tuần này - 2

Tỷ phú Elon Musk dự đoán rằng các chuyến bay có người lái đầu tiên lên Sao Hỏa có thể diễn ra vào năm 2028 (Ảnh: Getty).

Sao Hỏa là hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong hệ Mặt Trời, và là một trong những hành tinh dễ quan sát nhất từ Trái Đất nhờ vào màu đỏ đặc trưng của nó.

Màu sắc này xuất phát từ sự hiện diện của oxit sắt (hay còn gọi là gỉ sét) trên bề mặt hành tinh. Sao Hỏa có kích thước bằng khoảng một nửa Trái Đất và có bầu khí quyển mỏng, chủ yếu là carbon dioxide, khiến nó không thể duy trì sự sống như Trái Đất.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của Sao Hỏa là núi lửa Olympus Mons, ngọn núi lửa lớn nhất trong hệ Mặt Trời, cao gấp gần 3 lần so với đỉnh Everest. Ngoài ra, hành tinh này cũng có Valles Marineris, một hệ thống hẻm núi khổng lồ kéo dài hơn 4.000 km, sâu tới 7 km, lớn hơn bất kỳ hẻm núi nào trên Trái Đất.

Sao Hỏa cũng là mục tiêu chính của các sứ mệnh thám hiểm vũ trụ. Các tàu thăm dò như Curiosity, Perseverance của NASA đã thu thập nhiều dữ liệu quan trọng về điều kiện khí hậu và địa chất của hành tinh này, giúp con người tiến gần hơn đến mục tiêu khám phá và có thể định cư trên Sao Hỏa trong tương lai.

Vào tháng trước, NASA trong một thử nghiệm cùng hãng công nghệ General Atomics, đã cho ra mắt một loại nhiên liệu lò phản ứng đẩy nhiệt hạt nhân, có thể cung cấp năng lượng cho các hệ thống đẩy nhằm đưa con người lên Sao Hỏa chỉ trong 45 ngày.

Tất nhiên, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để xây dựng một hệ thống tên lửa đẩy phù hợp để đi tới Sao Hỏa, nhưng các thử nghiệm thành công là kết quả rất khả quan, cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng để chinh phục một trong những hành tinh rất tiềm năng sau suốt hàng thập kỷ nghiên cứu.