Mắt sinh học nhân tạo giúp người mù nhìn được

(Dân trí) - Một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Hongkong đã chế tạo được một con mắt nhân tạo hoạt động gần như mắt thật.

Với các cảm biến bắt chước chức năng của các tế bào thị giác trong mắt người, trong tương lai con mắt kỹ thuật sinh học này sẽ được sử dụng để mang lại ánh sáng cho những người hỏng mắt.

Mắt sinh học nhân tạo giúp người mù nhìn được - 1

Con mắt nhân tạo do các nhà khoa học Mỹ và Hongkong chế tạo.

Nhóm nghiên cứu gọi đây là “con mắt phỏng sinh học”. Nó là một thiết bị kết hợp giữa công nghệ hiện đại và các cấu trúc tự nhiên. Con mắt này có một võng mạc nhân tạo hình bán cầu và một chùm các cảm biến có thể ghi nhận và truyền phát một hình ảnh tức thời. Công việc tiếp theo mà các nhà khoa học cần làm là kết nối nó với bộ não. Đây là công việc phức tạp, đòi hỏi thời gian và nghiên cứu sâu hơn.

Y học hiện đại quả ngày càng phát triển và có nhiều thành tựu bất ngờ. Trong những năm qua, các nhà khoa học cùng với các bác sĩ đã tìm ra nhiều cách để thay thế được một số bộ phận quan trọng trong cơ thể con người bằng những thiết bị nhân tạo, nhờ đó sức khỏe của người bệnh được cải thiện thậm chí nhiều người còn được cứu sống.

Tuy vậy, mắt là một bộ phận vô cùng đặc biệt và cách truyền tín hiệu giữa mắt và não là một cơ chế phức tạp khiến cho việc thiết kế ra một con mắt nhân tạo để thay cho con mắt thật không chỉ đơn giản là chế tạo rồi lắp vào là hoạt động.  Để một thiết bị truyền và nhận được tín hiệu với bộ não con người thực sự là một công việc gặp vô vàn khó khăn.

Thách thức lớn nhất mà các nhà nghiên cứu đã vượt qua là tích hợp công nghệ vào một vật hình cầu để có thể cấy ghép nó vào cơ thể thay cho con mắt thật. Họ chưa cấy thử con mắt nhân tạo này vào một cơ thể sống, nhưng sắp tới đây thí nghiệm này sẽ được thực hiện.

Các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch tiến hành thí nghiệm này trên cả cơ thể động vật và con người. Tuy nhiên, trước đó họ còn phải tiến hành nhiều việc khác cho công tác chuẩn bị trong vòng một vài năm tới.

Hiện nay, khả năng kết xuất hình ảnh của con mắt nhân tạo vẫn chưa được hoàn chỉnh lắm. Nói mới ghi nhận và truyền được hình ảnh có độ phân giải thấp, ví dụ như nó có thể kết xuất được hình ảnh các chữ cái, còn những hình ảnh phức tạp hơn thì cần phải có mật độ cảm biến cao hơn nữa. Điều này nghe có vẻ là một nhược điểm, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết cùng với sự phát triển của công nghệ, mật độ cảm biến và độ phân giải hình ảnh thu nhận được sẽ sớm đạt được ngang với con mắt thật.

Con mắt nhân tạo hiện được coi là một ứng dụng trong lĩnh vực thiết bị tự động (robotics). Ý tưởng tạo ra một người máy có trí tuệ nhân tạo và con mắt tinh tường hơn cả mắt người hiện vẫn chưa thể thực hiện nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng đây sẽ là thành tựu của khoa học trong tương lai.

Phạm Hường 

Theo BGR

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm