Loại vi khuẩn có thể giết trăm triệu người sắp thoát ra từ Bắc Cực?
Một loại vi khuẩn chết người chôn vùi dưới Bắc Cực hàng ngàn năm có thể sớm thoát ra ngoài vì Trái đất ấm lên.
Theo Daily Star, các loại bệnh dịch chết người luôn có ảnh hưởng lớn đến con người. Một loại vi khuẩn như vậy hiện đang ẩn dưới lớp băng ở Bắc Cực và có thể trỗi dậy một khi băng tan.
Loại vi khuẩn này được so sánh với đại dịch Cái Chết đen, giết hàng triệu người vào thế kỷ 14. Đáng chú ý, Cái Chết đen cũng gây tai họa đúng vào thời điểm Trái đất ấm lên, theo giáo sư Peter Frankopan.
Thông điệp này xuất hiện sau khi các chuyên gia cảnh báo nhân loại chỉ còn 12 năm để hiện tượng ấm lên toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C, so với thế kỷ 19.
Vượt qua cột mốc này, khí hậu sẽ trở nên đặc biệt khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán hay nhiệt độ cao kỷ lục sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người, theo Liên Hợp Quốc.
Đại dịch Cái Chết đen từng trỗi dậy ở thời điểm Trái đất ấm lên hồi thế kỷ 14.
Giáo sư Frankopan đến từ Đại học Oxford cảnh báo sẽ rất khó để các quốc gia có thể khống chế hiện tượng ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Hệ quả là băng tan nhiều hơn ở hai cực.
“Một khi thời điểm đó đến, vấn đề không phải là đi nghỉ mát sẽ khó khăn hơn hay số người nhập cư gia tăng”, Frankopan nói. “Vấn đề là băng tan có thể giải phóng các loại vi khuẩn chết người, vốn ngủ yên trong hàng ngàn năm”.
Trong thế kỷ 14, Trái đất cũng ấm lên 1,5 độ C, kích thích các vi khuẩn phát triển trở thành Cái Chết đen.
Ước tính 75-200 triệu người khi đó đã chết vì đại dịch ở châu Âu và châu Á. Đại dịch đạt mức đỉnh điểm ở châu Âu trong giai đoạn năm 1347-1351.
Theo Đăng Nguyễn
Dân Việt