1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Loài người đã tiến hóa từ một sinh vật biển gớm ghiếc có cái miệng lớn?

(Dân trí) - Sinh vật này được đặt tên là Saccorhytus vì trông giống như một cái túi được tạo bởi cơ thể hình bầu dục và một cái miệng lớn.

Loài người đã tiến hóa từ một sinh vật biển gớm ghiếc có cái miệng lớn? - 1

Các nhà khoa học cho rằng loài người đã tiến hóa từ sinh vật biển trông giống như một chiếc túi với một cái miệng rộng, dường như không có hậu môn và di chuyển bằng cách uốn éo.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature cho rằng loài sinh vật siêu nhỏ này là tổ tiên sớm nhất của loài người được biết đến và sống ở thời điểm 540 triệu năm trước.

Sinh vật này được đặt tên là Saccorhytus dựa trên đặc điểm giống như một chiếc túi do cơ thể hình bầu dục và cái miệng rộng của nó tạo thành, sự tồn tại của nó đã được xác định nhờ vào các vi hóa thạch tìm thấy ở Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, nó có kích thước khoảng 1mm, sống giữa các hạt các ở đáy biển và có miệng cái miệng lớn hơn hẳn so với các phần còn lại của cơ thể.

Người ta cho rằng sinh vật này được bao phủ bởi một lớp da mỏng và tương đối dẻo dai, nó có một số loại hệ thống cơ bắp để có thể thực hiện các chuyển động co rút, và các nhà nghiên cứu tin rằng nó di chuyển xung quanh bằng cách uốn éo.

Nghiên cứu cho thấy, sinh vật này có thể ăn các hạt thức ăn hoặc thậm chí cả các sinh vật khác bị chìm xuống đáy biển, nhưng các nhà khoa học vật chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy loài động vật này có hậu môn.

Nhà nghiên cứu Simon Conway Morris từ Đại học Cambridge cho rằng: “Nếu trường hợp này đúng, thì bất kỳ chất thải nào cũng sẽ chỉ đơn giản được đưa trở lại ra ngoài thông qua đường miệng, và chuyện này nghe có vẻ không hề hấp dẫn tẹo nào”.

Sinh vật này được cho là ví dụ nguyên thủy nhất của “động vật miệng thứ sinh” – một phạm trù sinh học rộng lớn bao gồm một số nhóm phụ, trong đó có cả động vật có xương sống.

Các nhà khoa học không thể tìm thấy bằng chứng nào về việc loài động vật này có hậu môn
Các nhà khoa học không thể tìm thấy bằng chứng nào về việc loài động vật này có hậu môn

Nếu kết luận của nghiên cứu này là chính xác, thì Saccorhytus là tổ tiên chung của rất nhiều loài, và là bước đầu tiên đã được phát hiện trên con đường tiến hóa để cuối cùng hàng trăm triệu năm sau sẽ tạo ra con người. Tuy nhiên, dường như người hiện đại không nhận được nhiều nét.

Ông Conway Morris nói thêm “chúng tôi nghĩ rằng vì là loài động vật miệng thứ sinh đầu tiên, nó có thể đại diện cho sự khởi đầu sơ khai của một phạm vi rất đa dạng về loài, bao gồm cả chính chúng ta”

“Đối với mắt thường, các hóa thạch mà chúng tôi nghiên cứu chỉ trông như những hạt đỗ đen nhỏ xíu, nhưng dưới kính hiển vi, mức độ chi tiết lại rất đáng kinh ngạc. Tất cả các động vật miệng thứ sinh đều có chung một tổ tiên, và chúng tôi nghĩ rằng đây chính là thứ mà chúng ta đang tìm kiếm”

Nghiên cứu này được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế, bao gồm các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambrigde ở Anh và Đại học Tây Bắc ở Tây An, Trung Quốc.

Sinh vật này có các cấu trúc nhỏ hình nón trên cơ thể
Sinh vật này có các cấu trúc nhỏ hình nón trên cơ thể

Nhà nghiên cứu Degan Shu, từ Đại học Tây Bắc (Trung Quốc) bổ sung: “nhóm nghiên cứu đã đánh dấu lại một số khám phá quan trọng trong quá khứ, bao gồm cả loài cá đầu tiên và các loại động vật miệng thứ sinh đầu tiên vượt trội khác.

“Hiện nay, Saccorhytus mang đến cho chúng ta những hiểu biết đáng kể về những giai đoạn tiến hóa đầu tiên của nhóm dẫn đến loài cá và cuối cùng là chính chúng ta”.

Các vi hóa thạch Saccorhytus được tìm thấy ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc và có niên đại trước tất cả các động vật miệng thứ sinh khác đã được biết đến. Hầu hết các nhóm động vật miệng thứ sinh đầu tiên đều có niên đại khoảng 510 – 520 triệu năm trước, khi đó chúng bắt đầu đa dạng hóa thành các động vật biển có xương sống và da gai – chẳng hạn như sao biển và nhím biển – và động vật nửa dây sống - một ngành bao gồm các động vật giống như giun biển acorn.

Bằng cách phân tách hóa thạch khỏi phần đá xung quanh, và sau đó nghiên cứu chúng dưới cả kính hiển vi điện tử và kỹ thuật chụp cắt lớp, nhóm nghiên cứu có thể dựng nên bức tranh về hình dạng và cách sống của Saccorhytus. Điều này cho thấy các tính năng và đặc điểm phù hợp với các giả định hiện tại về động vật miệng thứ sinh nguyên thủy.

Sinh vật này có các cấu trúc hình nón nhỏ trên cơ thể, đó có thể là tiền thân tiến hóa của mang cá mà chúng ta thấy ngày nay.

Anh Thư (Tổng hợp)