1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Loài người có nguy cơ nhiễm 850.000 virus nếu không bảo vệ thiên nhiên

Phạm Hường

(Dân trí) - Sự phá hoại của con người đối với đa dạng sinh học đang đưa chính chúng ta vào kỷ nguyên của các đại dịch. Virus gây ra Covid-19 là một ví dụ.

Nó liên quan đến các loài virus trú ngụ ở loài dơi, mà đường lây truyền rất có thể là qua loài tê tê hoặc một loài vật khác.

Hành động phá hoại môi trường như là giải phóng mặt bằng, chặt phá rừng, biến đổi khí hậu, quảng canh và buôn bán động vật hoang dã đang đẩy con người đến gần hơn với thiên nhiên hoang dã, trong đó có tiếp xúc với các loài động vật mang trong mình những vi sinh vật có thể lây nhiễm sang người.

Một báo cáo của Liên hợp quốc vừa được công bố ngày 30/10/2020 cho biết có đến 850.000 loài virus tiềm tàng có thể lây sang người và hiện đang ký sinh trong các vật chủ là thú có vú và chim.

Báo cáo này do Cơ quan Khoa học – Chính sách Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Sinh thái của Liên hợp quốc (IPBES) soạn thảo, nhận định rằng để tránh được những đại dịch trong tương lai, con người phải lập tức thay đổi mối quan hệ của mình với môi trường.

Loài người có nguy cơ nhiễm 850.000 virus nếu không bảo vệ thiên nhiên - 1

Vi sinh vật có thể lây từ động vật sang người và gây ra các đại dịch.

Tổn thất của loài người ngày càng tăng

Theo báo cáo nói trên, bằng chứng khoa học cho thấy: các đại dịch xuất hiện ngày càng nhiều từ những sự kiện bệnh tật nghiêm trọng đang tăng lên liên tục. Nếu không có các chiến lược phòng ngừa, các đại dịch sẽ xảy ra nhiều hơn, thường xuyên hơn, lây lan nhanh hơn, làm chết nhiều người hơn và ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu bởi những tác động tiêu cực hơn bao giờ hết.

Cũng theo báo cáo này, trung bình mỗi năm đang có 5 căn bệnh mới lây từ động vật sang người, tất cả những căn bệnh này đều mang nguy cơ trở thành đại dịch. Trong thế kỷ XX, những căn bệnh này chính là sốt xuất huyết Ebola lây từ dơi, AIDS lây từ tinh tinh, Lyme lây từ bọ ve và bệnh động vật truyền sang người do virus Hendra. Hiện nay có khoảng 1,7 triệu loài virus chưa xác định, được cho là ký sinh trong cơ thể vật chủ là động vật có vú và chim. Trong số 1,7 triệu loài virus đó, có từ 540.000 đến 850.000 loài virus có thể lây sang người.

Loài người có nguy cơ nhiễm 850.000 virus nếu không bảo vệ thiên nhiên - 2

Chính phủ các nước đang tập trung vào các hành động ứng phó với đại dịch, chẳng hạn như phát triển vắc xin, thay vì cần tập trung vào phòng ngừa từ trước.

Nhưng lẽ ra nên ưu tiên ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh dịch, các chính phủ trên khắp thế giới lại cơ bản tập trung vào ứng phó, thông qua việc phát hiện sớm, kiềm chế và trông chờ sẽ sớm có vắc xin và thuốc chữa.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, Covid-19 nhận định đây là hướng đi chưa đúng đắn và trong khi dân chúng toàn cầu mong đợi có vắc xin để sử dụng thì thiệt hại về người vẫn đang tăng lên, nhiều mạng sống mất đi, nhiều người phải chịu đựng đau đớn vì bệnh tật, kinh tế suy sụp và nhiều người mất kế sinh nhai. Không những thế, cách tiếp cận này còn có thể phá hoại đa dạng sinh học.

Ví dụ như nó dẫn đến việc tiêu hủy trên quy mô lớn những loài động vật được xác định là mang mầm bệnh. Hàng chục nghìn động vật hoang dã ở Trung Quốc đã bị tiêu diệt sau đợt bùng phát SARS và dơi vẫn tiếp tục bị tàn sát sau khi được xác định là nguồn lây truyền mầm bệnh Covid-19.

Loài người có nguy cơ nhiễm 850.000 virus nếu không bảo vệ thiên nhiên - 3

Chi phí ứng phó khi đại dịch xảy ra cao tốn kém hơn nhiều chi phí phòng ngừa.

Phụ nữ và các cộng đồng cư dân bản địa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các đại dịch. Phụ nữ chiếm hơn 70% lực lượng lao động xã hội và chăm sóc sức khỏe, và những đại dịch vừa qua đã làm tổn hại rất nhiều đến sức khỏe của người dân bản địa, mà nguyên nhân chính là do cách trở về địa lý.

Các đại dịch và các căn bệnh khác do động vật lây sang người rất có thể sẽ gây thiệt hại đến 1 nghìn tỷ đô-la Mỹ mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu, trong khi các chi phí phòng ngừa đại dịch tiếp theo sẽ ở con số chưa đến 1% của số tiền đó.

Loài người có nguy cơ nhiễm 850.000 virus nếu không bảo vệ thiên nhiên - 4

Ngăn chặn mua bán phi pháp động vật hoang dã góp phần phòng ngừa các đại dịch.

Con đường tiến về phía trước

Báo cáo của IPBES đã xác định những hướng đi tiềm năng trong tương lai. Đó là: Tăng cường hợp tác liên chính phủ để có các chính sách mang tính chất ràng buộc; giảm chuyển đổi sử dụng đất để khôi phục môi trường sống cho động vật hoang dã; thực hiện các chính sách ngăn chặn mua bán động vật hoang dã.

Thay đổi hành vi của các cộng đồng và từng cá nhân cũng là việc cần thiết. Sự tăng trưởng tiêu dùng quá mức, thường xảy ra ở các nước phát triển và do các nước này điều khiển, đã dẫn đến việc nhiều căn bệnh tái xuất hiện ở các nước ít phát triển.

Chúng ta có thể cùng nhau góp phần làm giảm tiêu thụ hàng hóa bằng cách thực thi các chính sách giáo dục, dán nhãn cho các hình thức tiêu thụ có nguy cơ gây đại dịch như là tiêu thụ động vật hoang dã, có các khoản thưởng cho hành vi tiêu thụ bền vững và nâng cao an ninh lương thực để giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.