Loài ngỗng khổng lồ đã tuyệt chủng sử dụng cánh để chiến đấu hơn là bay
(Dân trí) - Loài ngỗng khổng lồ sống ở đảo Mediterranean vào khoảng 6 đến 9 triệu năm trước có đôi cánh phù hợp cho việc giao đấu.
Với chiều cao khoảng 1.5 mét và cân nặng 22 kilogram, Garganornis Ballmanni có thể là thành viên lớn nhất trong họ nhà vịt, ngỗng và thiên nga đã từng tồn tại. Khung xương hóa thạch của loài này đã được tìm thấy tại Gargano và Scontrone ở trung tâm nước Ý – một vùng bao gồm nhiều hòn đảo là nơi cư trú của các loài vật quý hiếm trong suốt quá trình thời kỳ Miocene.
Xương cánh của loài này ngắn so với kích cỡ, cho thấy rằng chúng không thể bay được. Một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi Marco Pavia tại Đại học Turin, Ý, đã chỉ ra rằng xương Carpometacarpus – tương đương với xương tay ở người – có một khối tròn được gọi là mắt cá tay, là một đặc điểm xuất hiện ở các loài chim thời hiện đại mà chiến đấu trên lãnh thổ của mình. Chúng bao gồm các loài vịt, ngỗng trời, loài Rodrigues Solitaire đã tuyệt chủng – họ hàng gần nhất của loài chim không biết bay Dodo.
Tại Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên ở Anh, Julian Hume đã nói rằng : “Đôi cánh đã được bao bọc bởi lớp da cứng cáp, do đó nó đã trở thành một thứ vũ khí hiệu quả. Trong các cuộc chiến cá nhân, chúng chắc chắn sẽ đánh gãy xương của đối thủ. Các cuộc chiến của loài Garganornis chủ yếu diễn ra trong vùng lãnh thổ của mình.”
Vịt và ngỗng trời, các loài sống trên các hòn đảo, ví dụ như Moa-nalo ở Ha-oai, thường tiến hóa để phù hợp với cuộc sống trên cạn và để bảo vệ lãnh thổ. Đó là vì nguồn nước sạch thường khan hiếm, do đó chúng phải sống trong rừng như các loài động vật ăn cỏ.
Nếu như loài Garganornis được thích nghi với cuộc sống tương tự, nó cũng sẽ chiến đấu bảo vệ vùng lãnh thổ để mang lại nguồn sống cho con của mình. Giả sử chỉ có một vài loài thú ăn thịt sống trên cạn hoặc trên các hòn đảo cùng với ngỗng trời, dẫn đến ngỗng trời không cần biết bay. Các con ngỗng con sẽ đối mặt với nguy hiểm từ các con thú ăn thịt trên không như là đại bàng và cú mặt lợn, tuy nhiên những con ngỗng trưởng thành thì có khả năng tự bảo vệ bằng vóc dáng với kích cỡ khổng lồ.
Hume nói rằng : “Chúng tôi thấy đây là loài chim lớn với đôi cánh chiến đấu, cực kỳ hung dữ và có khả năng bảo vệ các con chống lại các loài thú ăn thịt khác.”
Kích cỡ lớn cho phép các loài chim tích trữ được trong mùa kiếm ăn, giúp chúng sống sót qua nhiều thời kỳ.
Thành Hưng (Theo newscientist.com)