1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Loài lưỡng cư đầu tiên ở Brazil sống theo chế độ… “đa thê”

Trang Phạm

(Dân trí) - Một loài ếch từ rừng nhiệt đới Brazil đã trở thành loài lưỡng cư đầu tiên được phát hiện có chế độ sống “đa thê” độc nhất vô nhị với tận… hai bạn tình vẫn “chung thuỷ” với ếch đực.

Loài lưỡng cư đầu tiên ở Brazil sống theo chế độ… “đa thê” - 1
Ếch Thoropa taophora có đến tận “hai bà vợ” chung thuỷ.

Fabio de Sa, nhà động vật học từ Đại học Đại học Campinas, cho biết đa thê được cho là hệ thống giao phối phổ biến nhất giữa các loài động vật. Trước đây đã được tìm thấy ở các loài cá có xương, bò sát, động vật có vú, chim và thậm chí một số động vật không xương sống.

Hệ thống giao phối của động vật tồn tại liên tục giữa chế độ đa thê, có liên quan đến giai đoạn trước đó trong quá trình tiến hóa, và chế độ một vợ một chồng. Đa thê có xu hướng xảy ra khi các con đực buộc phải cạnh tranh với nhau để giành lấy con cái và các tài nguyên môi trường như nước và thức ăn.

Với các dữ liệu có được, De Sa và các đồng nghiệp đã quyết định điều tra xem liệu Thoropa taophora, một loài ếch được tìm thấy trong rừng nhiệt đới Đại Tây Dương của Brazil, có khả năng sống “đa thê” hay không.

Thoropa taophora thích sống gần đá và có ngoại hình màu nâu đỏ giúp chúng hòa nhập với môi trường xung quanh. Con đực có gai dài gắn vào ngón tay cái mà chúng dùng trong chiến đấu.

Nhóm nghiên cứu đã ghi lại hình ảnh những con ếch này tại các mỏm đá ở rìa rừng nhiệt đới, nơi có tương đối ít địa điểm sinh sản hoặc nước ngọt dành cho chúng và chúng được tiếp xúc nhiều hơn với Mặt trời.

Những con ếch đực thường đi tuần tra nơi sinh sản của chúng và phát ra những tiếng kêu hung hãn để xua đuổi những kẻ xâm nhập, đồng thời ở gần trứng và nòng nọc để bảo vệ chúng.

Khi những kẻ xâm lược đực khác phớt lờ những lời cảnh báo, chúng sẽ lao vào tấn công bằng các đòn tấn công khác nhau đồng thời dùng gai ngón tay cái như một vũ khí hữu hiệu.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những con đực chỉ quan hệ với hai con cái. Trong đó chủ yếu với một con được “ưu ái” hơn nhưng cũng có một con thứ “yếu” hơn.

Những con cái chiếm ưu thế sẽ cố gắng giao phối bằng cách đáp lại những lời kêu gọi tán tỉnh của con đực bằng tiếng kêu của chính chúng. Chúng cũng sẽ tiếp cận con đực và định vị vị trí giao phối. Trong khi điều này đang diễn ra, những con cái thứ cấp lại đứng sang một bên bất động. Con cái đôi khi cũng kích hoạt giao phối bằng cách ăn thịt một số trứng của con đực.

Hầu hết thời gian con đực sẽ đuổi con cái đi để ngăn cản nó, nhưng đôi khi, nếu nó là con cái trội, nó cũng giao phối ngay với con ếch cái. Điều này sẽ dẫn đến việc tạo ra những quả trứng mới mang gene của nó.

Nhóm nghiên cứu đã xác nhận những gì họ nhìn thấy trong video bằng cách nghiên cứu vật liệu di truyền và phát hiện ra rằng những con nòng nọc đều là anh chị em cùng cha khác mẹ. Mặc dù những con cái trội hơn sinh sản nhiều hơn.

Không chỉ thế, sự hiện diện của những con nòng nọc lớn tuổi hơn từ cùng một cặp bố mẹ khẳng định rằng mối quan hệ giao phối là lâu dài. Sự sắp xếp dường như có lợi thế rõ ràng cho cả hai giới. Những con đực cần ngăn chặn những con đực khác sử dụng các địa điểm sinh sản khó tìm của chúng, và việc đa dạng hóa nguồn gene bằng cách có nhiều bạn tình sẽ có lợi.

Bối cảnh thực tế cũng gợi ra sự cạnh tranh giữa hai con ếch cái. Điều này hiếm khi xảy ra ở các loài ếch khi những con cái chiếm ưu thế thực sự đáp lại lời kêu gọi của con đực và dường như đẩy con cái thứ cấp ra ngoài trong quá trình tán tỉnh.