Loài côn trùng máu lạnh: Giăng bẫy cát, hút sạch thịt bên trong con mồi
(Dân trí) - Ẩn bên dưới hố cát nhỏ hình phễu là một mối nguy hiểm đang rình rập các loài côn trùng hay thậm chí là cả nhện. Chỉ cần sa chân xuống đây, kẻ xấu số sẽ gần như không có cơ hội trốn thoát và kết cục là một cái xác rỗng chỉ còn vỏ ngoài, với phần thịt bên trong bị hút cạn!
Kẻ sát thủ máu lạnh được nhắc đến ở đây chính là kiến sư tử, loài động vật phân bố rộng khắp trên địa cầu, trong đó có cả Việt Nam chúng ta.
Khi đang còn ở dạng ấu trùng, kiến sư tử là một nỗi khiếp sợ với bất kỳ loài côn trùng cỡ nhỏ nào di chuyển trên nền cát, bởi bất kì mặt cát nào có dấu hiệu lõm xuống hình phễu, cũng đều có thể là chiếc bẫy tử thần mà kiến sư tử đã giăng ra.Cụ thể, để săn mồi, ấu trùng kiến sư tử sẽ dùng phần chóp bụng để xúc cát lên cùng với sự hỗ trợ của chân trước, nhằm tạo ra một hang hình phễu sâu chừng 5 cm và rộng xấp xỉ 7 cm.
Điều tài tình là ở chỗ độ dốc của cái hang sẽ được kiến sư tử thiết kế để đạt tới giá trị gọi là góc phản ứng tới hạn, tức là góc dốc lớn nhất mà bề mặt cát có thể giữ ổn định. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ cần một chút dao động khiến cho góc của dốc tăng lên thì bề mặt cát sẽ sụt lở ngay lập tức.
Chính vì vậy, khi các động vật nhỏ giống như kiến chẳng may đặt chân vào vào phễu cát này, bề mặt cát sẽ dễ dàng sạt lở, khiến con vật trượt xuống tâm phễu, nơi kiến sư tử đang chực chờ. Thậm chí, nếu con mồi có gắng hết sức bò lên trên, kiến sư tử sẽ hất cát ở dáy hố lên, khiến bề mặt liên tục sạt lở kéo con vật xuống.
Ngoài phương pháp săn mồi độc đáo, thì cách mà loài kiến này thưởng thức bữa ăn của mình cũng thú vị không kém. Theo đó, loài côn trùng này sẽ tiêm một loại enzyme tiêu hóa vào bên trong con mồi, khiến các bộ phân bên trong hóa lỏng; tiếp theo, kiến sư tử chỉ việc hút sạch món “cocktail thịt” này và nhả lại phần xác lúc này đã rỗng bên trong.
Minh Nhật
Theo SC