“Lộ diện” thứ rác thải khiến đại dương phải… khiếp sợ

(Dân trí) - Ống hút nhựa là một trong những loại rác thải khiến cả thế giới “đau đầu” và tìm cách loại bỏ trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế có một thứ rác thải có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường hơn rất nhiều.

Có một sự thật có thể bạn chưa biết đó là các loại ống hút nhựa chỉ chiếm khoảng... 0,02% số rác đang trôi nổi ngoài đại dương. Đây là một con số có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.

Theo NBC News, không phải ống hút nhựa mà thực tế đầu lọc thuốc lá mới là một trong những tác nhân đầu độc đại dương hàng đầu do loài người gây ra mà không mấy người quan tâm.


Những đầu lọc thuốc lá được vớt tại bãi biển khắp nơi trên thế giới tiềm ẩn nhiều mỗi nguy cơ còn hơn cả ống hút nhựa.

Những đầu lọc thuốc lá được vớt tại bãi biển khắp nơi trên thế giới tiềm ẩn nhiều mỗi nguy cơ còn hơn cả ống hút nhựa.

Trung bình mỗi năm, ước tính có khoảng 5,6 nghìn tỉ điếu thuốc được tiêu thụ trên toàn thế giới. Như vậy, cũng tương đương với từng ấy số đầu lọc thuộc lá được thải ra ngoài môi trường. Đặc biệt, loại rác thải này thường được thải ra một cách “vô tội vạ”.

Vào giữa những năm 1900, đầu lọc thuốc lá được phát minh ra nhằm mục đích giảm thiểu tác hại đối với người hút. Tuy nhiên, thay vì phát huy tác dụng thì đầu lọc thuốc lá lại trở thành một vấn nạn rất lớn với môi trường trên toàn cầu.

Không chỉ thế, năm 2011, giáo sư Novotny, giáo sư y tế cộng đồng tại ĐH San Diego (California, Mỹ), trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng, ngăn không cho người hút thuốc vứt những mẩu lọc thuốc lá bừa bãi là “nhiệm vụ bất khả thi” bởi người hút có một tâm lý đó là mấy mẩu đầu lọc thuốc lá đâu có… hại gì.

Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang tìm cách ngăn chặn vấn đề này. Tại Mỹ đang thông qua luật cấm vứt đầu lọc, hoặc nâng giá thuốc lá để có thêm kinh phí dành cho vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường. Hay mới đây nhất là Pháp cũng đang có những biện pháp liên quan đến vấn đề này.

Đầu lọc thuốc lá được làm từ Cellulose acetate chỉ có thể tiêu hủy với khoảng thời gian phải từ 10 đến 15 năm trong một số điều kiện môi trường nhất định.

Theo số liệu của Greenbutts, một đơn vị nghiên cứu cung cấp giải pháp đảm bảo môi trường từ những tác hại của thuốc lá, cho biết, khi bị vỡ ra, chất cellulose acetate và carbon có thể xâm nhập vào đường nước và ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

Trong khi đó, theo thống kê từ năm 1987 – 2012 của Tổ chức làm sạch bờ biển quốc tế, thuốc lá và các loại mấu thuốc lá chiếm đến hơn 30% trong tổng số rác thải thu gom được trên bờ biển và đại dương.

Khôi Nguyên

Theo Iflscience