1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Liệu pháp điều trị mới có thể là bước đột phá trong chữa bệnh HIV

(Dân trí) - Theo các nhà nghiên cứu, một liệu pháp điều trị mới có thể là bước đột phá trong dự án chữa bệnh HIV. Một sự kết hợp của các loại thuốc đã giúp ngăn chặn phiên bản HIV ở khỉ trong gần hai năm sau khi khỉ được ngừng điều trị. Giờ đây, các nhà nghiên cứu hy vọng giải pháp tương tự có thể có tác dụng đối với con người.

Bốn tuần sau khi loài khỉ nâu rhesus macaques được điều trị, hầu như không còn thấy vi rút suy giảm miễn dịch (simian immunodeficiency virus - SIV) trong máu hoặc các mô dạ dày-ruột của chúng nữa. Và hai năm sau đó, khỉ tỏ ra hoàn toàn khỏe mạnh.


Một con khỉ ngồi trên hàng rào vào sân sau của một ngôi nhà ở New Delhi

Một con khỉ ngồi trên hàng rào vào sân sau của một ngôi nhà ở New Delhi

Liệu pháp điều trị sử dụng các thuốc HIV tiêu chuẩn, được biết đến như là thuốc kháng virus sao chép ngược hoặc ART (antiretroviral therapy), và kết hợp chúng với một kháng thể thử nghiệm dùng cho cùng một mục tiêu như loại thuốc hiện được dùng để điều trị các bệnh viêm ruột như bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng. Được biến đổi một chút, nó được sử dụng cho vi rút suy giảm miễn dịch.

Một thử nghiệm thí điểm về hiệu quả của loại thuốc có tên là vedolizumab này ở bệnh nhân nhiễm HIV đã được bắt đầu ở Mỹ. Các nhà khoa học hy vọng thuốc sẽ có tác dụng theo cách giống như đối với khỉ trong nghiên cứu này.

Lutz Walter, thuộc Trung tâm linh trưởng Đức (DPZ) tại Viện nghiên cứu linh trưởng Leibniz ở Gottingen, người tham gia nghiên cứu cho biết, các nhà khoa học có lý do chắc chắn để tin rằng thuốc sẽ có hiệu quả tương tự ở người. Đó sẽ là bước đột phá trong điều trị bệnh nhân nhiễm HIV trong tương lai.

Không giống như nhiều giải pháp tiềm năng và đột phá về HIV khác, loại thuốc mới không phải là vắc xin vì nó không làm cho cơ thể sẵn sàng tự vệ chống lại virus. Thay vì đó, nó hoạt động bằng cách hỗ trợ hệ thống miễn dịch sau khi bị nhiễm, giúp hệ thống tiếp cận đến đích là các bạch cầu bị ảnh hưởng bởi HIV.

Liệu pháp này dựa trên sự hiểu biết rằng khi HIV đầu tiên nhiễm vào một người, nó tấn công một loại tế bào cụ thể tập trung ở ruột. Thuốc chống lại quá trình đó, làm bệnh "thuyên giảm bền vững", hoặc là phương thức mà các nhà khoa học gọi là chữa chức năng.

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, là một bộ phận của Viện sức khỏe quốc gia (NIH), đồng thời là một trong các nhà lãnh đạo nhóm nghiên cứu, “Phác đồ điều trị thử nghiệm dường như đã tạo cho hệ thống miễn dịch của khỉ sự gia tăng sức mạnh cần thiết làm cho virus lâm vào trạng thái thuyên giảm bền vững".

Các con khỉ trước tiên được cho dùng thuốc ARV, là liệu pháp điều trị HIV tiêu chuẩn, sau đó không được dùng nữa.

Bảy con khỉ không được tiếp tục dùng thuốc đã mau chóng bị xâm nhập bởi các vi rút hồi phục. Trong số tám con khỉ được dùng thuốc vedolizumab, sáu con đã hồi phục với các mức độ virus được kiểm soát trong vòng bốn tuần. Hai con còn lại không hề bị nhiễm lại.

Ngoài ra, ở các con khỉ được điều trị bằng kháng thể này đã có một sự hồi phục hồi dần dần các tế bào T hỗ trợ (helper T cells) và các tế bào miễn dịch khác mà trước đó đã bị cạn kiệt bởi sự tấn công của HIV.

Tác giả chính, Giáo sư Aftab Ansari, thuộc Trường đại học y Emory và Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia Yerkes ở Mỹ, cho biết: "Các kháng thể dường như đã hỗ trợ toàn bộ hệ thống miễn dịch tái thiết”.

Cho đến nay, quá trình thuyên giảm bền vững là một mục tiêu chính của các nhà khoa học nghiên cứu các phương pháp điều trị HIV mới.

Hiện nay, hầu hết các bệnh nhân nhanh chóng bị tái phát ngay khi ngưng dùng thuốc kháng retrovirus. Việc kiểm soát được HIV sau điều trị chỉ thấy ở một số ít người được điều trị sớm sau khi nhiễm bệnh.

Linh Trang (Theo Independent)